'Ma trận' giữa bà Phấn, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm

HOÀNG YẾN |

Hai phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm về các sai phạm hàng ngàn tỉ của ngân hàng vừa diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM đều có những thông tin liên quan đến bà Hứa Thị Phấn…

Trưa 24-3, Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an (C46) đã khám xét nhà riêng của bà Hứa Thị Phấn tại quận Thủ Đức. Bà Hứa Thị Phấn là người nắm giữ gần 85% cổ phần NH Đại Tín (nay là NH Xây Dựng) trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.

Điều đáng chú ý hai phiên đại án Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm về các sai phạm hàng ngàn tỉ của ngân hàng vừa được xét xử tại Hà Nội và TP.HCM đều có dây dưa đến nhân vật này.

Ma trận giữa bà Phấn, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn trong phiên xử vụ Phạm Công Danh

1. Cụ thể, trong vụ đại án thiệt hại 9.000 tỉ ở ngân hàng Xây dựng VNCB, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập Đoàn Thiên Thanh) đề nghị HĐXX xem xét thu hồi số tiền 3.600 tỉ đồng về cho VNCB từ bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ, người sang nhượng lại của Ngân hàng Đại Tín cho Danh).

Và theo bị cáo này đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ông phải hầu tòa.

Bởi thỏa thuận ban đầu, Danh phải chuyển khoảng 3.600 tỉ cho nhóm Phú Mỹ để mua gần 85% cổ phần, sở hữu tài sản của Ngân hàng Đại Tín là hai tài sản bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè (TP.HCM) mà Danh cho biết được định giá gần 7.000 tỉ đồng.

Phạm Công Danh trình bày tại tòa: “Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tôi không được nhận lại tài sản đó. Tôi xin lỗi bà Phấn, tôi đến bây giờ vẫn rất tin tưởng bà Phấn nhưng không hiểu nhầm lẫn ở đâu, có thể từ phía bà Phấn, có thể từ phía tôi.

Tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng không lấy được tài sản. Sau này cơ quan điều tra không cho phép bán, chuyển nhượng dưới mọi hình thức…"

Ma trận giữa bà Phấn, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm - Ảnh 2.

Phạm Công Danh được di lý ra Hà Nội

Còn bà Phấn ở phiên toà đó với tư cách là người liên quan thì cho là "Khi tôi rời ngân hàng là hoàn toàn tay trắng.

Mọi người đang hiểu nhầm là ông Danh chuyển 3.600 tỉ cho tôi nhưng không phải. Tiền này ông Danh chuyển vào một tài khoản tại VNCB để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ vay nợ để đầu tư bất động sản”.

Bà Phấn khẳng định chuyển giao ngân hàng theo đề án cơ cấu không có cầm 3.600 tỉ này nên cũng không lấy đâu mà trả.

Cũng tại toà, đại diện NHNN công bố một trong ba nguyên nhân khiến cho TrustBank lâm vào cảnh khó khăn là bà Hứa Thị Phấn là cố vấn HĐQT và có tỷ lệ sở hữu cao tại ngân hàng, thao túng tài chính ngân hàng để phục vụ các dự án, công ty của bà.

HĐXX cho rằng bà Phấn và nguyên lãnh đạo, cán bộ Trustbank có hành vi sai phạm dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho ông Danh gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng.

Bị cáo Danh mua ngân hàng Đại Tín trong tình trạng ngân hàng đã bị âm. Việc chuyển giao ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo…

Từ đó HĐXX sơ thẩm đã khởi tố vụ án tại toà và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan.

Ngay trong đêm 10-1-2017, khi phiên xử phúc thẩm ông Danh đang diễn ra, Bộ Công an đã tống đạt khởi tố, tạm giam với hàng loạt lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) và ông Trần Sơn Nam (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) sau đó di lý ngay ra Hà Nội.

Ông Toàn là chủ tịch ngân hàng Đại Tín trong giai đoạn điều hành ngân hàng gây ra nhiều thất thoát do cho nhóm Phú Mỹ của bà Phấn vay vốn.

2. Tại phiên tòa xét xử cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) Hà Văn Thắm và 47 đồng phạm tại Hà Nội vào tháng 2 gây thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng cũng có liên quan đến bà Phấn.

Đầu năm 2012, Ngân hàng nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém.

Do muốn thâu tóm một số NH TMCP về Oceanbank, Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của NH Đại Tín (Trustbank) đặt vấn đề chuyển giao Trustbank lại cho Thắm.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Trustbank, phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại Trustbank.

Ma trận giữa bà Phấn, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm - Ảnh 3.

Hà Văn Thắm được dẫn giải đến phiên xử

Thắm đã gặp Danh để đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại Trustbank. Sau khi tiếp quản Trustbank, Danh làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Giữa tháng 12-2012, Thắm, Danh và bà Phấn bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỉ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.

Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Trustbank của nhóm bà Phấn.

Số tiền 500 tỉ đồng được vay với các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện là nguyên nhân dẫn đến việc Oceanbank không thu hồi được số tiền vay này.

Tại phiên xử này, luật sư của bà Phấn cho rằng bà bán NH Đại Tín là do ông Thắm uy hiếp. Luật sư trình bày "Để bà Phấn đưa khối tài sản ra thế chấp, anh Thắm đã có những lời gay gắt.

Bà Phấn đã 70 tuổi, gia đình lúc đó nghe đến tù tội rất sợ nên bảo làm gì là làm vậy. Việc bà Phấn bị cưỡng ép đưa tài sản thế chấp vào Oceanbank có cả lời khai của Thắm.

Ngoài việc phát hiện sai phạm của Thắm, bản thân gia đình bà Phấn cảm thấy mình bị cưỡng đoạt, bị o ép nên viết đơn tố cáo ra công an”.

Cũng theo lời luật sư, sở dĩ lúc đó bà Phấn tin tưởng và cho ông Danh mượn tài sản để thế chấp vì thời điểm đó ông Danh được tung hô trên thị trường tài chính với phát ngôn - nếu Nhà nước tung ra gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỉ, ông Danh có thể tung ra gói cho vay bất động sản tới 50.000 tỉ...

Còn bản thân bị cáo Thắm cho là số tiền 500 tỉ "Phạm Công Danh đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Oceanbank”. Bị án Danh lập tức phản bác: “Thưa tòa, tôi rất mong có mặt tại phiên tòa này, dù sức khỏe của tôi rất kém.

Tôi rất buồn. Qua phần trình bày của anh Thắm, tôi mong tòa cho tôi trình bày rõ. Có gì mong anh Thắm thông cảm. Anh Thắm nói tôi lừa đảo là xúc phạm tôi”.

Sau nhiều ngày xét xử, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này. Bởi hành vi của Danh, bà Phấn… có dấu hiệu đồng phạm với Thắm vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cần điều tra làm rõ.

Lời khai tại tòa thể hiện Hà Văn Thắm đã cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng không đảm bảo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật. Để bị cáo Danh được vay tiền, bà Phấn đã đưa tài sản thế chấp không đúng quy định của pháp luật...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại