Năm 1968, khi Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào, tàu K-129 – tàu ngầm Liên Xô được trang bị ba quả tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung R-21 – đắm trên Thái Bình Dương sau khi rời cảng trên bán đảo Kamchatka.
Đồ họa về sứ mạng trục vớt tàu ngầm K-129 dưới bỏ bọc tàu thăm dò khoáng sản.
Sau những nỗ lực tìm kiếm bất thành, chính phủ Liên Xô đành từ bỏ chiến dịch tìm tàu đắm bởi thiếu công nghệ. Nhận thấy người Liên Xô vẫn chưa nắm được vị trí chính xác của tàu K-129, vốn được ví như "một mỏ vàng" thông tin tình báo về Liên Xô, chính phủ Mỹ đã nảy ra ý tưởng đánh cắp con tàu để tìm hiểu về vũ khí chiến lược của đối thủ.
Sứ mạng này được đặt mật danh là Dự án Azorian. Dự án tuyệt mật Azorian được giao cho Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Mỹ chỉ huy, phối hợp với Lầu Năm góc.
Rất nhanh sau khi tàu Liên Xô chìm, Hải quân Mỹ đã huy động thiết bị định vị thủy âm để xác định vị trí xác tàu. USS Halibut, tàu ngầm trinh sát tinh vi của Mỹ, được lệnh tìm kiếm con tàu của Liên Xô.
Halibut được trang bị các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ biển sâu hiện đại. Nó đi vào khu vực nghi tàu ngầm Liên Xô chìm và triển khai tàu ngầm không người lái điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm. Đội ngũ tìm kiếm chụp khoảng 20.000 bức ảnh và xác định được vị trí xác tàu ngầm Liên Xô. Thì ra K-129 chìm ở độ sâu 4,8km, cách tây bắc Hawaii khoảng 2.900km.
Để trục vớt được con tàu ngầm nặng 1.750 tấn, dài 40 mét đang nằm sâu gần 5km dưới đáy đại dương, CIA đã thuê các kỹ sư và nhà thầu mà họ tin rằng có thể hoàn thành nhiệm vụ gần như bất khả thi này bằng cách sử dụng một chiếc máy kẹp cơ khí khổng lồ, có nhiệm vụ ngoạm lấy thân tàu ngầm và đưa lên mặt nước.
Tàu thăm dò khoáng sản Glomar Explorer được huy động để che mắt cho chiến dịch.
Trong những năm 1970-1974, chiếc máy này được bí mật chế tạo. Để che đậy việc trục vớt, CIA trưng dụng tàu Glomar Explorer chuyên thăm dò khoáng sản biển sâu thuộc sở hữu của tỷ phú Howard Hughes, Chủ tịch Summa Corporation. Sứ mệnh "lấy trộm" xác tàu ngầm Liên Xô được ngụy trang dưới vỏ bọc hoạt động thăm dò hải dương và khai khoáng ở đáy biển.
Phần đáy tàu Glomar Explorer được cắt một khoang lớn chứa chiếc máy trục vớt. Khoang có cửa để đóng lại trong quá trình di chuyển. Để tránh những con mắt dòm ngó từ các máy bay, tàu thuyền và vệ tinh do thám của Liên Xô, toàn bộ sứ mạng trục vớt tàu K-129 đều diễn ra ngầm trong lòng biển.
Ngày 4/7/1974, tàu thăm dò Hughes Glomar Explorer di chuyển từ Long Beach, California tới địa điểm xác tàu K-129 và ở lại khu vực này trong hơn một tháng mà không bị nghi ngờ, kể cả khi bị các tàu và máy bay Liên Xô theo dõi suốt thời gian đó.
Nhưng chiến dịch "ăn trộm" tàu ngầm K-129 cũng đặt ra những rủi ro lớn với thủy thủ đoàn. Khi K-129 đang được máy kẹp nâng lên, một khoang lớn của tàu ngầm bất ngờ vỡ rời, chìm ngược trở lại đáy đại dương sâu thẳm. Thủy thủ đoàn chỉ vớt lên được khoang nhỏ hơn của tàu có chứa thi thể của sáu thủy thủ Liên Xô.
Các thủy thủ xấu số được làm nghi lễ hải táng. Phải tới tận năm 1992, Giám đốc CIA Robert Gates mới cung cấp đoạn băng ghi hình buổi lễ hải táng này cho Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin.
Sau khi vuột mất một khoang quan trọng của tàu ngầm, một sứ mạng thứ hai, tương tự như Dự án Azorian đã được lên kế hoạch để tiếp tục trục vớt khoang bị vỡ. Tuy nhiên, một sự cố tai hại đã xảy ra ngay trước khi sứ mạng này được tiến hành.
Những tên trộm đã đột nhập vào một số văn phòng của tỉ phú Howard Hughes, lấy đi nhiều tài liệu mật tiết lộ mối quan hệ của Hughes với CIA. Dự án mật nhanh chóng bị phơi bày.
CIA phối hợp với Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng Sở cảnh sát Los Angeles truy bắt tên trộm để lấy lại tài liệu tuy nhiên, nhiều thông tin đã rò rỉ ra ngoài.
Giám đốc CIA William E. Colby khi đó phải gặp riêng tờ Los Angeles Times đề nghị họ không công bố thông tin. Tuy nhiên, vào ngày 18/2/1975, Los Angeles Times đã tung lên mặt báo toàn bộ những thông tin mà họ nắm được về Dự án Azorian.
Phóng viên điều tra Jack Anderson còn tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng các chuyên gia hải quân khẳng định tàu ngầm Liên Xô bị chìm không chứa bí mật đáng kể nào và dự án trục vớt nó là sự lãng phí tiền của người nộp thuế.
Trong khi đó, khi vụ việc vỡ lở, Liên Xô lập tức điều tàu đến bảo vệ khu vực tàu đắm, và để tránh leo thang căng thẳng, Nhà Trắng đã hủy bỏ sứ mạng trục vớt khoang tàu còn lại của K-129.
Theo các tài liệu được giải mật, Chính phủ Mỹ đã chi tới 800 triệu USD (tương đương với 3,8 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016) cho Dự án Azorian, khiến nó trở thành chiến dịch tình báo tốn kém nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.
Dự án Azorian không thành công về mặt tình báo nhưng đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật trong cứu hộ biển sâu. Nó mở đường cho sự phát triển của công nghệ khai thác khoáng sản ở độ sâu lớn.