Lý do tại sao mặc Huawei lôi kéo sử dụng HarmonyOS, vẫn chẳng hãng smartphone Trung Quốc nào đáp lời

Bảo Nam |

Thậm chí cả Honor, đơn vị từng là thương hiệu con của Huawei, cũng chỉ dám đứng từ phía xa "quan chiến".

Huawei đang tích cực thúc đẩy để đưa nền tảng di động mới của mình, HarmonyOS, trở thành một xu hướng chủ đạo, giúp gã khổng lồ viễn thông này vượt qua các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Công ty đã thu hút được hàng nghìn đối tác trong lĩnh vực điện tử gia dụng, nhưng không kéo được bất kỳ hãng smartphone lớn của Trung Quốc nào chấp nhận sử dụng hệ điều hành mới này của mình.

Tại buổi ra mắt HarmonyOS 2 trực tuyến hôm 2/6, Richard Yu Chendong, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty đã hợp tác với hơn 1.000 nhà sản xuất phần cứng, 500.000 nhà phát triển ứng dụng và hơn 300 nhà cung cấp dịch vụ, để cho phép hệ điều hành di động của công ty chạy trên nhiều thiết bị thông minh hơn Android của Google.

Một số đối tác được Huawei công bố bao gồm các nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc như Midea Group, Joyoung và Supor, hãng sản xuất TV Skyworth, gã khổng lồ về máy bay không người lái DJI và nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Tissot.

Lý do tại sao mặc Huawei lôi kéo sử dụng HarmonyOS, vẫn chẳng hãng smartphone Trung Quốc nào đáp lời - Ảnh 1.

Richard Yu Chengdong, CEO bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, dẫn đầu buổi ra mắt trực tuyến giới thiệu nền tảng di động HarmonyOS vào ngày 2/6/2021.

Nhưng các hãng điện thoại thông minh Android hàng đầu của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo đã không được đề cập tới. Vivo cho biết họ không có thông tin gì để chia sẻ về HarmonyOS. Xiaomi và Oppo thì không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Còn Honor, công ty con cũ của Huawei, thì tuyên bố sẽ giữ "các tùy chọn mở" về vấn đề này. Nói cách khác, Honor vẫn sẽ dùng Android và "có thể cân nhắc" để sử dụng HarmonyOS trong tương lai.

"Chúng tôi hiện đang sử dụng hệ sinh thái Android và sẽ chú ý đến sự tiến bộ và phát triển của hệ sinh thái HarmonyOS", đại diện Honor cho biết.

Huawei, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trước đây là nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc, đang là một trong những công ty gặp khó khăn lớn nhất trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng.

Sau khi bị được đưa vào danh sách đen của Mỹ vào tháng 5/2019, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển HarmonyOS nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh smartphone của mình khỏi các hạn chế thương mại cũng như sự cạnh tranh với các nhà cung cấp điện thoại thông minh Android lớn khác của Trung Quốc.

Và theo các nhà phân tích trong ngành, Huawei đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để thuyết phục các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác thay đổi từ Android sang HarmonyOS. Trong khi đó, Huawei đang đặt kỳ vọng rất lớn khi nhắm mục tiêu lên tới 300 triệu thiết bị chạy HarmonyOS 2 trong năm nay.

Lý do tại sao mặc Huawei lôi kéo sử dụng HarmonyOS, vẫn chẳng hãng smartphone Trung Quốc nào đáp lời - Ảnh 2.

Huawei dự kiến ​​sẽ có tới 300 triệu thiết bị chạy nền tảng di động HarmonyOS trong năm nay.

Vậy tại sao các nhà sản xuất này lại không mặn mà với HarmonyOS?

Có ba lý do chính thường được nhắc tới, đầu tiên và sâu xa nhất nằm ở sự nghi ngờ về hệ thống HarmonyOS. Các nghi ngờ này liên quan chủ yếu đến các chức năng, vì xét cho cùng thì Android đã ra mắt hơn 10 năm, nên các nhà sản xuất sẽ yên tâm sử dụng nó hơn so với một hệ điều hành mới ra mắt.

Thứ hai là khía cạnh hệ sinh thái, không chỉ bao gồm số lượng ứng dụng mà còn liên quan tới nhiều API, giao diện, khả năng cơ bản... HarmonyOS mới đang ở ngưỡng cửa bắt đầu, và rõ ràng nó không thể đứng cùng cấp độ với Android. Trong khi đó, Huawei tuyên bố các nhà phát triển ứng dụng ​​sẽ được hưởng lợi từ HarmonyOS, vì chi phí liên quan đến việc sử dụng nó thấp hơn Android. Tuy nhiên, quan điểm này của Huawei vẫn cần thời gian đưa ra câu trả lời.

Cuối cùng, đó là việc Huawei đang có mối quan hệ cạnh tranh với các nhà sản xuất khác. Ví dụ Xiaomi, đối thủ trực tiếp đã và đang chiếm được thị phần trên thị trường smartphone của Huawei, chắc chắn sẽ không muốn sử dụng một hệ điều hành của đối thủ và có nguy cơ bị phụ thuộc. Trong khi đó, Google lại không hề có sự cạnh tranh với các nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng Android ở Trung Quốc. Ý tưởng sử dụng song song hai hệ điều hành Android và HarmonyOS - một cho thị trường trong nước và một cho nước ngoài - cũng khó trở thành hiện thực, bởi sẽ dẫn tới các chi phí phát sinh cao.

Nhưng, tất cả vẫn còn quá sớm để phán xét. Miễn là hệ thống HarmonyOS đủ tốt, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng nó trong tương lai. Apple và Google cũng không xây dựng đế chế của họ chỉ trong một ngày.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại