Phương Tây hồ hởi với Syria
Thời gian gần đây, thái độ của các nước phương Tây và một số nước Ả rập đang có sự chuyển biến quan trọng trong vấn đề Syria. Thay vì coi sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết cho bất cứ giải pháp nào, các nước này đã đặt ưu tiên hàng đầu vào cuộc chiến chống khủng bố, trước hết là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự thay đổi này đã được thể hiện rõ trong tuyên bố của những nhà lãnh đạo cao nhất của các nước, đồng thời phản ánh trực tiếp lên các cuộc đàm phán Geneva về Syria.
Tại các phiên đàm phán diễn ra ở Geneva đầu năm nay, phe đối lập và chính phủ Syria đã đạt được thỏa thuận đưa vấn đề chống khủng bố vào chương trình nghị sự. Đây là lần đầu tiên đàm phán Geneva đề cập đến cuộc chiến chống khủng bố nên được coi là sự thay đổi thái độ cơ bản của quốc tế trong cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Syria.
Cuộc chiến Syria hiện tại bắt nguồn từ một cuộc nội chiến. Ảnh: CNN
Sau khi kết thúc đàm phán, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan De Mistura đã tuyên bố: "Chống khủng bố đang trở thành vấn đề chính được đưa ra thảo luận ở cấp cao nhất."
Pháp trước đây là một trong những nước đi đầu đòi Tổng thống Assad phải ra đi trong bất kỳ giải pháp nào, nay đã chuyển thái độ. Tại hội nghị cấp cao G20 ở Hamburg đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố:
"Không thể giải quyết được vấn đề Syria nếu cứ khăng khăng gắn giải pháp với điều kiện Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi. Việc đòi lãnh đạo nước này, nước khác phải từ bỏ chức vụ của mình là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta đã làm điều này ở Iraq và Libya. Ông Bashar al-Assad không phải là kẻ thù của Pháp".
Ông còn nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Paris ngày 13/7/2017 rằng, việc Tổng thống Syria phải từ bỏ quyền lực không còn là điều kiện tiên quyết để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria kéo dài từ 2011 đến nay.
Người phát ngôn nhà Trắng Sean Spicer cũng tuyên bố: " Mỹ cần phải chấp nhận một thực tế với chính quyền của Tổng thống Assad."
Ả rập Xê út và Qatar là hai nước Ả rập trước đây đã từng kiên quyết đòi Tổng thống Assad phải ra đi ngay và coi đây là điều kiện đầu tiên cho một giải pháp thì nay không còn giữ quan điểm này nữa.
Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel Al-Jubair mới đây đã thông báo với Chủ tịch Uỷ ban đàm phán tối cao HNC Riyad Farid Hijab tại Thủ đô Riyadh rằng, phe đối lập cần phải chấp nhận ông Assad ở lại chính quyền, trong giai đoạn quá độ phải tìm một tầm nhìn mới cho các cuộc thương lượng sắp tới.
Một người đàn ông ngồi ôm mặt đau khổ giữa đống đổ nát sau vụ giao tranh giữa quân đội của Tổng thống Assad và phe đối lập. Ảnh: Reuters
Trong tình hình như vậy, sắp tới phe đối lập sẽ gặp nhau tại Riyadh để xem xét thành lập đoàn và thống nhất quan điểm đàm phán với chính phủ Syria. Hiện nay có 3 nhóm đối lập gồm nhóm Riyadh đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, nhóm Moscow và nhóm Cairo gọi là nhóm đối lập ôn hoà không đặt việc ra đi của Tổng thống Assad là điều kiện tiên quyết.
Các nước phương Tây, Ả rập Xê út và Qatar đã chi hàng tỷ USD để giúp đỡ các lực lượng nổi dậy chống chính quyền Assad, nhưng 6 năm rưỡi đã trôi qua mà không đạt được kết quả nào đáng kể. Các nước này giúp phe đối lập với hy vọng sẽ góp phần làm chính quyền Syria sụp đổ nhanh chóng nhưng điều đó đã không xảy ra.
Ngược lại, chính quyền Syria được Nga, Iran ủng hộ về quân sự không những vẫn đứng vững mà còn giành được nhiều thắng lợi liên tiếp trên chiến trường.
Tiếp theo thắng lợi giải phóng Aleppo năm ngoái, quân đội Syria mới đây đã giải phóng Al-Ghouta thuộc ngoại ô Thủ đô Damascus, Al-Suwaida và toàn bộ thành phố Al-Sukhna, thành trì cuối cùng của IS tại Homs, mở đường tiến về giải phóng Deir Ezzor và Raqqa.
Các lực lượng vũ trang Syria cũng giành lại được quyền kiểm soát toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Jordan trải dài hơn 30 km.
Nhằm xóa bỏ đe dọa lợi ích
Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức to lớn do kinh tế trì trệ, Brexit và an ninh do làn sóng người tỵ nạn từ Trung Đông đổ về, châu Âu không muốn kéo dài cuộc khủng hoảng. Cuộc xung đột Syria kéo dài không được giải quyết đang đe dọa lợi ích của châu Âu. Châu Âu muốn có một Trung Đông hoà bình và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại với các nước Ả rập.
Vấn đề Syria được đưa ra thảo luận tại Liên hợp quốc hồi tháng 2/2016. Ảnh: UN /Jean-Marc Ferré
Việc châu Âu thay đổi thái độ đối với Tổng thống Syria thể hiện mong muốn của châu Âu muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán hoà bình để sớm đạt được giải pháp cho cuộc xung đột Syria.
Ả rập Xê út và Qatar đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do giá dầu giảm mạnh và chi phí to lớn cho sự can thiệp quân sự tại Yemen. Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bùng nổ ngày 5/6/2017, mâu thuẫn gay gắt giữa Qatar và Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE và Bahrain đã đẩy Qatar thắt chặt quan hệ với Iran, một đồng minh thân cận của Tổng thống Assad.
Tổ chức anh em Hồi giáo, một trong những nhóm đối lập chính chống chính quyền Syria được Qatar ủng hộ, nhưng lại bị cấm tại Ả rập Xê út. Các nước vùng Vịnh ủng hộ phe đối lập Syria bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc khủng hoảng ngoại giao vừa qua.
Trong tình hình khó khăn và bị chia rẽ như vậy, Ngoại trưởng Qatar Mohammed Bin Abdul Rahman al-Thani và Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel al-Jubair là hai nước đồng minh quân sự của Mỹ ở khu vực đã đến thăm Nga- đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Assad để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Nếu Mỹ và phương Tây cứ khăng khăng đòi Tổng thống Bashar Al-Assad phải ra đi hoặc tìm cách lật đổ ông bằng quân sự như đã từng lật đổ Tổng thống Saddam Hussein của Iraq năm 2003 và nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi của Libya năm 2011 thì ai sẽ là người lên thay?
Các tổ chức đối lập hoạt động mạnh ở Sirya gồm có Mặt trận Al-Nousra có mối quan hệ trực tiếp với tổ chức Al-Qaeda, quân đội Syria tự do không phải là một quân đội thống nhất, những người tự do Al-Sham là phong trào Hồi giáo theo dòng Salafi cực đoan và bảo thủ, áp dụng luật Shariat của đạo Hồi hết sức khắt khe.
Những tổ chức cực đoan này có quan điểm và lợi ích hoàn toàn khác nhau lên cầm quyền chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột, tranh giành quyền lực, đẩy Sirya vào vòng xoáy bạo lực mới. Một cuộc nội chiến mới là không thể tránh khỏi.
Nga, Iran có lợi ích lớn ở Syria đã chi phí rất lớn về người và của tại đây không thể khoanh tay nhìn chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ. Các nước này sẽ tiếp tục ủng hộ ông Assad ở lại chính quyền. Mọi cố gắng nhằm lật đổ Tổng thống Syria có thể sẽ dẫn đến đối đầu quân sự không chỉ với chính quyền Syria mà còn với Nga và Iran. Kịch bản này hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.
Tổng thống Assad là một phần của cuộc xung đột thì cũng phải là một phần của giải pháp Syria. Những cố gắng nhằm loại Assad ra khỏi giải pháp sẽ chỉ làm cho cuộc xung đột kéo dài.
Việc phương Tây, Ả rập Xê út và Qatar, những nước ủng hộ chính phe đối lập thay đổi quan điểm đối với tương lai của Tổng thống Assad đang mở ra cách tiếp cận mới cho các cuộc đàm phán Syria-Syria sắp tới tại Geneva, hé mở tia hy vọng cho một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn" ở đất nước Syria đang chịu nhiều đau khổ này.