Tại đại hội kỷ niệm 90 năm thành lập PLA, tổ chức hôm 1/8 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nêu tên 9/10 nguyên soái đã dẫn dắt cuộc cách mạng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá khứ.
Ông mở đầu bài phát biểu bằng lời ca ngợi quá trình quân sự hóa của ĐCSTQ và những đóng góp của PLA trong việc đánh bại Quốc dân đảng.
"Vào thời khắc trang nghiêm và vinh quang này, chúng ta hoài niệm về những đồng chí và nhà quân sự đã gây dựng quân đội nhân dân như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình, cùng với các đồng chí Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh," ông Tập phát biểu.
Nhân vật không được Chủ tịch Trung Quốc vinh danh là Lâm Bưu, người đóng vai trò trọng yếu trong thắng lợi của ĐCSTQ trước Quốc dân đảng vào năm 1949. Nhưng chính phủ Trung Quốc ngày nay định danh Lâm Bưu là kẻ khơi mào và đứng đầu "nhóm 4 tên" phản cách mạng trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966-1976).
Với vai trò tư lệnh Quân dã chiến Đông Bắc, Lâm Bưu cùng La Vinh Hoàn, Nhiếp Vinh Trăn đã dẫn dắt PLA đến chiến thắng trong các chiến dịch Bình Tân và Liễu Thẩm - 2/3 chiến dịch vào các năm 1948, 1949 tạo ra bước ngoặt cho ĐCSTQ trong cuộc nội chiến - chống lại lực lượng của Tưởng Giới Thạch.
Sau cách mạng, Lâm Bưu cùng 9 nguyên soái khác được vinh danh vào năm 1955, và đứng hàng thứ 3. Lâm ủng hộ Mao phát động Cách mạng văn hóa và được chỉ định kế thừa Mao, trước khi quan hệ giữa hai người đổ vỡ vào thập niên 1970.
Nhưng vào tháng 9/1971, Lâm Bưu bị chết do rơi máy bay ở Mông Cổ. Thông tin chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố nói Lâm đã phản bội lãnh tụ Mao và đang bỏ trốn sang Liên Xô cùng vợ con. Một "dị bản" khác của câu chuyện nói Lâm đào tẩu vì lo sợ bị hạ bệ khi mối quan hệ với các lãnh đạo đảng ngày càng tồi tệ.
Mao Trạch Đông (trái) và Lâm Bưu tại Đại hội toàn quốc khóa 9 của ĐCSTQ, tháng 4/1969 (Ảnh: iFeng)
Những người "có vinh quang trong quá khứ" vẫn có thể bị xử lý
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin "thân cận với chính phủ" ở Bắc Kinh cho hay, do Lâm Bưu đã bị ĐCSTQ xác định là một kẻ phản bội, không có gì khó hiểu khi ông Tập Cận Bình không tôn vinh "khai quốc công thần" này.
Tại hội thảo quan trọng ở Bắc Kinh hôm 26/7 để chuẩn bị cho Đại hội khóa 19 của ĐCSTQ sắp tới, ông Tập nhắc nhở 400 quan chức cấp cao ở các tỉnh thành và bộ, ban ngành rằng những người không nhất trí với đảng hoặc chống lại các quyết định của trung ương sẽ phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật nghiêm trọng, bất kể cấp bậc, thành tựu hoặc vinh quang trong quá khứ của các quan chức đó.
Trong chiến dịch chống tham nhũng 5 năm qua, với sự ủng hộ của Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn, ông Tập đã xử lý hơn 150 quan chức cấp cao. Quan chức gần đây nhất "ngã ngựa" là Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, cũng là trường hợp Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm đầu tiên bị điều tra dưới thời ông Tập.