Hóa ra, thái độ cũng những phát ngôn đậm tính phô trương liên quan đến các vấn đề an ninh Israel mà ông Netanyahu vẫn luôn thể hiện, không chỉ dừng lại ở các tranh chấp trên Dải Gaza.
Chỉ trong một tuần, Thủ tướng Israel đã 2 lần tới thăm Cao nguyên Golan, và cũng từng ấy lần ông khiến nội các Israel cũng như giới phân tích phải "mắt tròn mắt dẹt" với những phát biểu của mình.
Trong chuyến thăm đầu tiên, khi ông thị sát một cuộc tập trận của quân đội Israel (IDF), Netanyahu phát biểu với báo chí rằng IDF trong vài năm qua đã thực hiện hàng chục đợt không kích trên lãnh thổ Syria, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí tới tay phong trào Hezbollah.
Có vẻ hơi quá khi cho rằng ông Netanyahu đã tiết lộ bí mật quân sự qua tuyên bố nói trên, song do các quan chức quân đội Israel lâu nay vẫn áp dụng một "luật bất thành văn" về việc không tiết lộ hoạt động tại Syria, nên phát biểu của Thủ tướng Israel đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Ông Netanyahu quan sát quân đội Israel tập trận trên Cao nguyên Golan. Ảnh: Times of Israel
Nhưng chưa dừng lại ở đó, tại chuyến thăm Golan thứ hai trong cùng một tuần, ông Netanyahu còn khiến Nga, Mỹ, cũng như cả thế giới phải chú ý khi tuyên bố cao nguyên này sẽ "mãi mãi thuộc về Israel". Sau đó, báo chí Israel cho biết ông còn mang cả thông điệp này tới Nga để nhấn mạnh với Tổng thống Vladimir Putin.
Phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Israel sau đó đã giải thích rằng, tuyên bố này của ông Netanyahu là "cần thiết, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho nội chiến Syria, cũng như khẳng định lấy lại Golan của chính phủ Assad"
Nhưng theo những gì nhà phân tích Shmuel Meir đã chỉ ra trong bài viết đăng trên Haaretz, đây không phải lý do thực sự.
Ông Meir cho rằng, hai tuyên bố của ông Netanyahu đi ngược lại với sự cẩn trọng của ông trong các phát ngôn liên quan tới Syria suốt 5 năm vừa qua.
"Netanyahu là một người có tầm nhìn chiến lược.
Ông luôn dung hòa được ba nguyên tắc: 1. cẩn trọng, hoài nghi, đặc biệt là trước mưu đồ của các nước Arab, 2. khẳng định sự vượt trội về mặt quân sự cũng như quyền kiểm soát tuyệt đối của Israel tại Cao nguyên Golan và Bờ Tây sông Jordan; và 3. nắm chắc quyền lực đến khi nào có thể.
Nhưng trong một số trường hợp nhất định, nguyên tắc thứ 1 thường bị nguyên tắc thứ 3 làm lu mờ" - chuyên gia Meir nhận định.
Một ví dụ cụ thể là những nước đi của ông Netanyahu trong vấn đề hạt nhân Iran.
Trước khi Tehran và P5+1 kí kết thỏa thuận vào tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Israel không ngần ngại hi sinh quan hệ tốt đẹp với Mỹ để chỉ trích thậm tệ Tổng thống Barack Obama và lên án thỏa thuận này, nhằm thu về sự ủng hộ của công chúng trong nước.
Ông Netanyahu phản đối kịch liệt thỏa thuận hạt nhân Iran trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2015. Ảnh: AP
Nhưng ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân được kí kết, những lời chỉ trích nhắm vào Obama cũng như các tuyên bố lên án Iran cũng biến mất luôn khỏi các bài phát biểu của ông Netanyahu.
Theo ông Meir, chính vì không nhận ra điều này, nên giới quan sát đang bỏ qua lý do thực sự tại sao ông Netanyahu đột nhiên "lên giọng" như vậy.
"Nếu nhìn từ ngoài vào, có thể thấy bộ sậu Netanyahu đang trung thành với một nguyên tắc cốt lõi: đó là đảm bảo sự ủng hộ về mặt chính trị cho Thủ tướng Israel thông qua việc kiểm soát thông tin truyền thông, điều dường như luôn thay đổi hàng ngày" - ông Meir viết.
Để đề cao tin tốt hay dập tắt tin xấu khi cần, ông Netanyahu và các cộng sự sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp, từ các biện pháp PR, làm hình ảnh, cho đến đánh lạc hướng dư luận khỏi các sự kiện nóng không có lợi cho Thủ tướng Israel.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi ông Netanyahu, ngoài cương vị Thủ tướng, còn nắm luôn chức Bộ trưởng Truyền thông. Điều đó giúp ông có thể dễ dàng cầm tay chỉ việc các phương tiện thông tin đại chúng trong nước.
Công chúng lo ngại an ninh sau hàng loạt các vụ đâm chém do các phần tử cực đoan người Palestine gây ra tại Dải Gaza, ông Netanyahu lập tức cho đăng một loạt ảnh của ông với các binh sĩ canh gác Cao nguyên Golan.
Sau khi ông Netanyahu khiến cánh hữu nước này "nóng mặt" với việc chỉ trích một binh sĩ IDF vì đã bắn vào một phần tử cực đoan Palestine đang bị thương, Thủ tướng Israel lập tức đem nội các lên Golan họp, và sau đó tuyên bố hùng hồn rằng Cao nguyên này mãi mãi thuộc về Nhà nước Do Thái.
Khách quan mà nói, cơ hội để chính phủ Assad đòi lại Golan ở thời điểm này gần như không có, và ông tuyên bố như vậy cũng hơi ... thừa. Nhưng điều đó không quan trọng đối với Netanyahu, bởi ông cần một sự kiện đủ tầm có thể đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi phát ngôn có phần "hớ" trước đó của ông.
Do đó, theo chuyên gia Meir, đây mới là lý do thực sự đằng sau tuyên bố hùng hồn của ông Netanyahu trên Cao nguyên Golan, chứ chẳng phải hục hặc gì với Nga hay Mỹ.