Trong nhiều năm qua, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi đã tập trung vào các cách đa dạng hóa tài sản của họ ngoài dầu mỏ, tạo ra các nguồn doanh thu mới để thúc đẩy các nền kinh tế vùng Vịnh.
Dù vậy, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Mặc dù các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, thì đất canh tác và nước cần thiết để phát triển lại khan hiếm, vì vậy việc tạo ra doanh thu phi dầu mỏ từ tài nguyên thiên nhiên là một thách thức lớn.
Các quốc gia vùng Vịnh cần phải suy nghĩ vượt trội và sáng tạo hơn, sử dụng các hình thức thay thế khác để thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các siêu dự án khổng lồ chính là một trong những cách đó.
Đối với nhiều người trên thế giới, các siêu dự án ở Trung Đông có vẻ chẳng khác gì một "màn trình diễn sự giàu có tột độ". Nhưng khi nguồn cung dầu hữu hạn dần cạn kiệt, liệu chi phí cho những dự án tỷ đô này có thực sự hợp lý? Lý do đằng sau những dự án khổng lồ và đầy rủi ro như vậy là gì?
Trang Arabian Business đưa ra một số lí do giải thích tại sao các siêu dự án lại đóng vai trò chiến lược như vậy đối với tương lai của các quốc gia giàu có tại vùng Vịnh.
Thu hút vốn
Để đa dạng hóa nền kinh tế, các quốc gia vùng Vịnh cần đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các khu vực tự do, lợi ích về thuế và thị thực vàng/sáng kiến về cư trú của UAE mang đến cơ hội tuyệt vời cho nhân tài và doanh nghiệp chuyển đến vương quốc này. Nhưng UAE cần nhiều hơn nữa để nâng tầm quốc gia.
Theo "Dự án của 50" của UAE, chiến lược du lịch của nước này có mục đích tăng đóng góp của du lịch vào GDP lên 450 tỷ AED (tương đương 122 tỉ USD - AED là đồng Dirham của UAE) vào năm 2031. Là một phần trong Tầm nhìn của Ả Rập Saudi 2030, vương quốc này cũng kỳ vọng đóng góp của du lịch vào GDP sẽ tăng từ 3% lên 10%.
Nếu các quốc gia vùng Vịnh cạnh tranh với châu Âu và châu Á trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, thì các siêu dự án của họ cần phải khác biệt và độc đáo, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.
Trung tâm thành phố Dubai - một khu đất bị bỏ hoang, ít được sử dụng đã được chuyển đổi thành một điểm đến du lịch toàn cầu và là một trong những dự án phát triển dân cư hấp dẫn nhất trong thành phố. Đây cũng là quê hương của Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới và DIFC, trung tâm tài chính và FinTech hàng đầu ở Trung Đông.
Sự phát triển của Biển Đỏ – điểm đến du lịch tái tạo của Ả Rập Saudi, nơi kết hợp tốt nhất giữa giải trí sang trọng, với công nghệ bền vững để bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái. Qiddiya ở Ả Rập Saudi – được coi là thành phố giải trí lớn nhất thế giới, lớn gấp ba lần Disney World ở Florida. Dành riêng cho thể thao và nghệ thuật, thành phố nghỉ mát sẽ có các công viên nước và tuyết, các đấu trường thể thao hiện đại và các cơ sở giáo dục. Ước tính thủ đô thể thao và giải trí sẽ thu hút khoảng 14,5 triệu du khách mỗi năm, đóng góp 4,5 tỷ USD vào GDP.
Trong một động thái táo bạo khác nhằm đa dạng hóa doanh thu, thúc đẩy du lịch và tránh xa sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, Ả Rập Saudi đặt mục tiêu ghi dấu ấn của quốc gia này trên "sân khấu" thể thao quốc tế.
Khi nói đến việc đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, việc ký hợp đồng với siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo cho Al Nassr FC có thể được coi là một siêu dự án. Kiếm được khoảng 200 triệu USD mỗi năm, CR7 là cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới.
Việc ký hợp đồng với siêu sao 37 tuổi người Bồ Đào Nha là một trong nhiều động thái chiến lược nhằm thể hiện các quốc gia Ả Rập cởi mở hơn, toàn cầu hóa và đa dạng hơn.
Nhờ các sự kiện thể thao lớn khác, chẳng hạn như Giải đua xe Công thức 1 Abu Dhabi Grand Prix và sự kiện trực tiếp đầu tiên của WWE tại Ả Rập Saudi vào năm 2023, du lịch thể thao ở Trung Đông ước tính sẽ tăng 30%, mang lại doanh thu khoảng 600 tỷ USD.
Không chỉ khách du lịch mà các siêu dự án sẽ thu hút mà cả các doanh nghiệp và doanh nhân. Những dự án thú vị, trị giá hàng tỷ USD này đang thu hút vốn và tài năng từ khắp nơi trên thế giới, cũng như mang đến cơ hội việc làm rất cần thiết cho dân số chủ yếu là trẻ tuổi của vùng Vịnh.
Kết nối
Để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, du lịch và thương mại, Vùng Vịnh cần đầu tư nhiều tiền vào giao thông và cơ sở hạ tầng. Là một đối tác chiến lược trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, UAE đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này.
Cùng với chiến lược du lịch của UAE, sân bay quốc tế Abu Dhabi đang được mở rộng với trị giá hàng tỷ USD. Nhà ga mới sẽ là nhà ga đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ AI tiên tiến và khả năng sinh trắc học để phục vụ tới 45 triệu hành khách mỗi năm.
Etihad Rail là mạng lưới đường sắt quốc gia mới nhất của UAE, được thiết kế để kết nối bảy tiểu vương quốc của UAE với các quốc gia GCC lân cận: Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman.
Dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất Trung Đông từng chứng kiến sẽ là tuyến đường sắt trải dài khoảng 1.000 km trên đất nước, cung cấp một mạng lưới giao thông bền vững, an toàn và cực kỳ hiện đại cho khoảng 36 triệu hành khách và 60 triệu tấn hàng hóa hàng năm vào năm 2030.
Người ta ước tính rằng tuyến đường sắt có thể đóng góp khoảng 54 tỷ USD cho nền kinh tế UAE trong 50 năm tới, với khoảng 12 tỷ USD đến từ các cơ hội du lịch, kinh doanh và đầu tư phát sinh từ kết nối lớn hơn.
Đáng để mạo hiểm
Những dự án hoành tráng này rất rủi ro, nhưng chúng rất quan trọng đối với tương lai của các quốc gia Ả Rập - thu hút không chỉ khách du lịch mà cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân tài nước ngoài.
Tạo ra toàn bộ thành phố và cơ sở hạ tầng từ những cảnh quan xa xôi và khắc nghiệt như vậy chắc chắn là một kỳ công. Nhưng để đảm bảo một tương lai an toàn, các quốc gia vùng Vịnh bắt buộc phải chuyển đổi từ các nền kinh tế hàng hóa đơn lẻ, dễ bị tổn thương thành các cường quốc thịnh vượng và bền vững.
Xây dựng các siêu dự án chính là điều có thể giúp họ đạt được điều này.