"Phù phép" dầu Nga: Cách các nước Trung Đông ăn đậm nhờ khủng hoảng năng lượng

Minh Khôi |

Trung Đông đang nỗ lực củng cố chỗ đứng trên thị trường năng lượng châu Âu khi lệnh cấm với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2.

Trung Đông đang thế chỗ Nga

Trong thời gian qua, Châu Âu đã gấp rút tăng dự trữ dầu diesel trước thời điểm lệnh cấm, thậm chí tăng mua từ Moscow trước khi nguồn hàng từ nhà cung cấp lớn nhất của khối bị cắt đứt.

Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup, cho biết: “Trung Đông sau cùng là người chiến thắng khi đã thay thế nguồn nguyên liệu của Nga ở châu Âu. Và sau đó hưởng lợi nhiều hơn bằng cách tự nhập khẩu nguyên liệu của Nga.”

Phù phép dầu Nga: Cách các nước Trung Đông ăn đậm nhờ khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Hiện các quốc gia vùng Vịnh đã đổi chỗ với Nga trên thị trường dầu thô, chuyển hướng bán hàng sang châu Âu, trong khi Moscow tập trung vào các khách hàng truyền thống của họ ở châu Á với mức giá giảm sâu.

Sự thay đổi của hoạt động thương mại năng lượng toàn cầu là kết quả của các hình phạt của phương Tây đối với Nga do liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vào ngày 5/12, các quốc gia EU cấm dầu thô của Nga và các nước G7 đã thiết lập trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Mặc dù châu Âu đã khá thành công trong việc xoay sở để hạn chế tác động từ việc từ bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trước lệnh cấm, nhưng các nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.

Trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, Nga chiếm khoảng một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của châu Âu. Vào tháng 12, EU và Anh đã mua 663.000 thùng dầu diesel mỗi ngày (bpd) từ Nga - khoảng 40% tổng số lô hàng vận chuyển bằng đường biển - cho thấy cuộc khủng hoảng nguồn cung mà khối phải đối mặt trong vòng chưa đầy 3 tuần.

Xuất khẩu dầu thô của vùng Vịnh, cùng với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel, dầu nhiên liệu và nhiên liệu máy bay sang châu Âu đã tăng mạnh vào đầu năm 2023, khi EU đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

Trong 12 ngày đầu năm 2023, UAE đã xuất khẩu 133.000 thùng dầu/ngày và các sản phẩm liên quan sang châu Âu, phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 kể từ năm 2017, theo dữ liệu của Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu.

Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi xuất khẩu 282.000 thùng/ngày trong cùng khoảng thời gian đã vượt qua toàn bộ mức của tháng 1 kể từ năm 2019.

Chìa khóa của Trung Đông

Lệnh cấm dầu diesel được đưa ra vào một thời điểm tình cờ đối với các quốc gia vùng Vịnh, ngay khi họ chuẩn bị triển khai xây dựng một loạt các nhà máy lọc dầu lớn mới.

Morse từ Citigroup cho biết Kuwait đặc biệt thuận lợi để tận dụng lệnh cấm của châu Âu đối với Nga.

Tiểu vương quốc nhỏ bé này đang tăng cường sản xuất tại nhà máy lọc dầu al-Zour mới - một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới - sẽ có khả năng xử lý 615.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi đi vào hoạt động hết công suất. Vào tháng 11, Kuwait đã vận chuyển lô nhiên liệu máy bay đầu tiên từ địa điểm này.

Morse cho biết: “Họ đã sẵn sàng với công suất lọc dầu cao hơn nhằm bán dầu diesel sang châu Âu... và tích cực chiếm lĩnh thị phần”.

Doanh số bán dầu diesel của Kuwait sang châu Âu trong 12 ngày đầu tháng 1 cho thấy các nhà sản xuất vùng Vịnh đã tận dụng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu một cách hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu.

Xuất khẩu dầu diesel hàng tháng từ Kuwait sang châu Âu ở mức 59.000 thùng/ngày tính đến ngày 12/1, gần gấp 3 mức của cả tháng 1 năm 2022 và cao hơn khoảng 900% so với tháng 1 năm 2021, theo Kpler.

Ả Rập Saudi đang tăng cường năng lực sản xuất của nhà máy lọc dầu Jazan, dự kiến sẽ sản xuất hơn 200.000 thùng dầu diesel mỗi ngày khi đạt công suất tối đa vào cuối năm nay.

Nhà máy lọc dầu Duqm của Oman cũng dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023. Các nhà phân tích cho biết nhà máy này sẽ tăng khả năng tinh chế dầu thô thành dầu diesel và các nhiên liệu khác của Oman thêm khoảng 200.000 thùng/ngày.

Bất chấp nguồn cung từ Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ phải tìm thêm các nhà cung cấp nhiên liệu khác, bao gồm ở cả Mỹ và Ấn Độ, để lấp đầy khoảng trống của Nga để lại.

Nhập khẩu dầu diesel của Trung Đông vào châu Âu đạt đỉnh vào tháng 9 ở mức 500.000 thùng/ngày, nhưng vẫn thấp hơn nguồn cung từ Nga tới lục địa này lục địa này ở trước thời điểm xung đột nổ ra..

Jay Maroo, nhà phân tích thị trường dầu thô hàng đầu tại Vortexa, cho biết: “Để Trung Đông có thể thay thế hoàn toàn tất cả dầu diesel của Nga sang châu Âu, điều đó sẽ đòi hỏi phải tiến hành chuyển hướng quy mô lớn các tuyến đường cung cấp từ những thị trường khác”, ông nói thêm.

Mua dầu từ Nga và tái xuất

Các nhà phân tích cho biết, Trung Đông cũng có thể mua các sản phẩm của Nga với giá rẻ và tái xuất khẩu chúng, qua đưa khu vực này vào một vị trí thuận lợi để hợp tác với cả hai phía.

Mùa hè vừa qua, Ả Rập Saudi đã thu mua số lượng lớn dầu nhiên liệu giá rẻ của Nga, qua đó tạo điều kiện cho nguồn dầu thô mà vương quốc này thường sử dụng cho nhu cầu trong nước - như chạy máy điều hòa không khí - được xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn.

Ai Cập, một nhà sản xuất năng lượng ở quy mô nhỏ so với Ả Rập Xê Út, cũng đã nhảy vào cuộc chơi.

Cairo đã nhập khẩu lượng nhiên liệu và dầu đốt cao kỷ lục từ Nga vào năm ngoái, sau đó tái xuất khẩu phần lớn sang Ả Rập Saudi nhưng cũng sử dụng một phần trong nước để giành lượng khí đốt tự nhiên cho xuất khẩu.

Tunisia đưa ra một ví dụ sinh động về ngành tiểu thủ công nghiệp giúp "rửa" nguyên liệu của Nga, nơi các sản phẩm dầu mỏ được nhập khẩu và sau đó được dán nhãn lại theo xuất xứ của một quốc gia khác để giúp tiêu thụ dễ dàng hơn.

Quốc gia Bắc Phi nghèo năng lượng này bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn naphtha của Nga vào tháng 8. Theo Kpler, nhập khẩu hydrocarbon lỏng đạt đỉnh 61.000 thùng/ngày trong tháng 10, tăng so với con số 0 của những năm trước. Naptha được tái xuất ra nước ngoài, chủ yếu sang Hàn Quốc.

Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler, cho biết Tunisia là "một thí dụ điển hình của hoạt động chuyển tải", hay nôm na là một trạm trung chuyển.

Katona dự đoán mô hình Tunisia đang áp dụng sẽ được nhân rộng khắp Bắc Phi sau khi lệnh cấm dầu diesel của EU và mức trần giá G7 đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực. Nga hiện đã đã tăng cường vận chuyển dầu diesel đến Ma-rốc.

Ông nói: “Những quốc gia này nằm trên Địa Trung Hải, nơi các chuyến đường vận chuyển đến châu Âu rất ngắn. Tôi có thể thấy rất nhiều mối quan hệ cộng sinh giữa người Nga và các nước Bắc Phi.”

Các nhà phân tích và thương nhân cho biết những nơi tốt nhất để tận dụng việc trung chuyển thường có cơ sở lưu trữ lớn. Ai Cập có cơ sở hạ tầng đáp ứng điêu nà tại các cảng Ain Sokhna và Sidi Kerir, và UAE có Fujairah. Công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Nga Lukoil đã chuyển các hoạt động kinh doanh của mình đến Dubai vào năm ngoái.

Theo các quy định của EU, dầu thô của Nga phải được "biến đổi đáng kể" để được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Về mặt kỹ thuật, việc pha trộn dầu diesel của Nga với một lô khác có thể không vi phạm lệnh cấm, nhưng các nhà phân tích cho rằng các quy định không rõ ràng và trên thực tế, rất khó để truy xuất nguồn gốc của dầu diesel.

Gregory Gause, một chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Texas A&M cho biết, những người được lợi lớn trong “cuộc ly hôn năng lượng” của châu Âu với Nga là các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh, vì lệnh cấm dầu diesel “củng cố” vị thế của họ như một trụ cột trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Vào tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết vương quốc này bán dầu nhiều hơn cho châu Âu.

“Chúng tôi đang hợp tác với rất nhiều chính phủ, bao gồm Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Croatia, Romania và những nước khác. Họ đang trải qua giai đoạn tháo nút thắt cổ chai hệ thống cung ứng của mình để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tham gia.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại