Trong bài viết mạng tựa đề «Прошмыгнуть мимо С-400»: почему F-22, F-35 и B-21 - «неудержимы»... - Lướt qua mặt tên lửa S-400: Tại sao F-35, F-22 và B-21 lại "không thể bị chặn đứng"?", tác giả người Nga George Pavlodubov đã dẫn lại nhưng phản bác nhận định của Tạp chí National Interest (Mỹ) về việc tên lửa S-400 chỉ là "hổ giấy".
Theo ý kiến của các chuyên gia phương Tây, các vấn đề của hệ thống phòng không như S-400 sẽ chẳng dừng lại ở việc phát hiện các máy bay của địch nhờ trạm radar đa tĩnh, cố định. Bởi ngoài việc định vị trên màn hình radar, chiếc máy bay cần phải được theo dõi để dẫn hướng tên lửa tiêu diệt.
Nga có thể sẽ gặp phải những vấn đề liên quan tới việc này trong tương lại bởi vì Mỹ có kế hoạch phát triển công nghệ tàng hình. National Interest cho rằng những công nghệ của Nga có thể không hiệu quả trong việc chống lại các máy bay tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 hiện đại của Mỹ.
Những máy bay ném bom tầm xa B-21 mới của Mỹ sẽ được trang bị lớp vỏ tàng hình nâng cấp, trơn tru và có thiết kế khí động học tối ưu nhờ thiết kế "không có đuôi" để không chỉ giảm tiết diện phản xạ radar hiệu dụng mà còn áp chế các tín hiệu.
Công nghệ này ở Mỹ người ta gọi là "tàng hình băng thông rộng" và cho rằng nó sẽ giúp qua mặt được mọi radar tần sóng cả cao lẫn thấp.
F-22 và F-35 khó bị phát hiện hơn những máy bay ném bom tối tân (thế hệ 4, 4+ hay 4++) nhờ các đặc điểm thiết kế. Tuy nhiên, với lớp vỏ được nâng cấp, giảm triệt để mức độ tán nhiệt từ động cơ thì chúng càng trở nên khó bị phát hiện hơn bao giờ hết.
Lấy ví dụ, khí nóng do quá trình đốt nhiên liệu thải ra sẽ được làm mát bổ sung ngay trong hệ thống xả khí giúp các máy bay tiêm kích mới vẫn duy trì được khả năng cơ động/thao diễn tốt trong kh di chuyển nhanh ở vận tốc lớn một cách "tàng hình". The National Interest cho rằng F-22, V-35 và B-21 là những máy bay "không thể ngăn chặn".
Tuy nhiên, theo chuyên gia George Pavlodubov, các tổ hợp tên lửa phòng không Nga là những vũ khí tốt nhất trên thế giới bởi vì chúng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để phát hiện, chuyển dữ liệu và dẫn hướng các hệ thống hỏa lực đánh chặn những mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa.
Bên cạnh đó, George Pavlodubov cũng nhấn mạnh rằng tên lửa S-400 không ngừng được nâng cấp. Trong tương lai, các tổ hợp phòng thủ này của Nga có thể mở rộng khả năng theo dõi không phận trên nhiều băng sóng.