Bị Mỹ "khóa tay chân" F-16, Pakistan còn lại gì để quyết đấu với Ấn Độ trên trời?

Chỉ Nhàn |

Với việc không được phép sử dụng F-16 trong trường hợp có xung đột với Ấn Độ, Pakistan chỉ có thể dựa hoàn toàn vào sức mạnh các máy bay tiêm kích Trung Quốc.

Mặc dù tới thời điểm hiện tại, cuộc xung đột giữa Ấn Độ - Pakistan đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên không vì thế mà quan hệ của "hai người anh em" sẽ hết căng thẳng trong tương lai.

Thay vào đó, có thể trong thời gian tới thế giới sẽ chứng kiến việc cả hai nước tiếp tục công cuộc nâng cấp quy mô sức mạnh trên không để tiếp tục "trận chiến chưa có hồi kết".

Có thể nói, sau trận chiến ngày 27/2, Ấn Độ thì đã rõ họ còn nhiều việc phải làm, trong khi đó Pakistan thì xem ra đã tới lúc không thể dựa vào vũ khí Mỹ, mà cụ thể là máy bay chiến đấu thế hệ 4 F-16.

Muốn chiến với Ấn Độ cứ vậy, nhưng cấm dùng F-16!

Trong trang bị Không quân Pakistan hiện nay, F-16 được xem là dòng máy bay chiến đấu "xương sống" dù số lượng chỉ là 85 chiếc (ít hơn 4 loại máy bay còn lại).

Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng cũng như tính năng kỹ chiến thuật, F-16 rõ ràng vượt trội các dòng máy bay tiêm kích F-7, JF-17 hay Mirage 3/5.

Thế nhưng, theo thỏa thuận khi nhập khẩu F-16 từ Mỹ, Pakistan chỉ được phép sử dụng loại máy bay này trong các nhiệm vụ chống khủng bố.

Điều đó có nghĩa là, Pakistan không được phép sử dụng F-16 cho bất kỳ cuộc xung đột nào với các quốc gia khác, mà hiện thời ở đây là Ấn Độ.

Bị Mỹ khóa tay chân F-16, Pakistan còn lại gì để quyết đấu với Ấn Độ trên trời? - Ảnh 1.

F-16 không được phép xuất kích nếu đối thủ là Ấn Độ.

Hiện tại, phía Mỹ đang tiến hành các hoạt động điều tra xem liệu có hay không việc Pakistan dùng F-16 để đánh chặn máy bay MiG-Su của Không quân Ấn Độ hồi cuối tháng 2. Và nếu bị chứng minh là có, Islamabad có thể hứng chịu một "hình phạt đau đớn" từ Washington.

Tạm gác lại câu chuyện trên, với việc không được phép sử dụng F-16 trong các cuộc xung đột với Ấn Độ, rõ ràng đây là "thiệt hại không thể nào đo đếm nổi" với Không quân Pakistan.

85 máy bay để lại lỗ hổng rất lớn trên trời và hơn thế các máy bay còn lại trong biên chế của Pakistan cũng khó lòng đối đầu với Ấn Độ.

Đặt lòng tin vào JF-17: Khó lắm!

Thật vậy, trong một cuộc chiến tiềm tàng với Ấn Độ, nếu không được phép sử dụng F-16, Pakistan bắt buộc phải đặt lòng tin hoàn toàn vào hơn 400 chiếc Mirage và F-7, JF-17.

Tuy nhiên, trong số đó 180 chiếc Mirage III và Mirage 5 đều bị coi là lạc hậu, sức mạnh có lẽ cũng chỉ ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn một chút dòng máy bay tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ.

Phần còn lại, loại máy bay tiêm kích đông đảo nhất F-7PG (139 chiếc) vốn là phiên bản MiG-21 do Trung Quốc sản xuất cũng không vượt trội hơn MiG-21 Bison bao nhiêu. Còn nếu so với Mirage 2000, MiG-29 và Su-30MKI thì "không có cửa".

Bị Mỹ khóa tay chân F-16, Pakistan còn lại gì để quyết đấu với Ấn Độ trên trời? - Ảnh 3.

F-7PG tuy có hiện đại nhưng chỉ ngang với MiG-21 Bison.

Có chăng Pakistan chỉ có thể trông chờ vào "thần sấm" JF-17 mà nước này hợp tác sản xuất với Trung Quốc.

Đây là loại tiêm kích đa năng hạng nhẹ, một động cơ do Công ty Thành Đô (Trung Quốc) phát triển trên cơ sở cải tiến sâu rộng khung thân máy bay J-7 tích hợp nhiều công nghệ hiện đại biến JF-17 trở thành tiêm kích thế hệ 4.

Đáng chú ý, ngay khi xảy ra sự kiện ngày 27/2 Pakistan tuyên bố bắn rơi chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ, Islamabad đã tuyên bố họ sử dụng một chiếc JF-17 thực hiện vụ không chiến thắng lợi.

Thế nhưng, sau đó New Delhi đã quả quyết đó là một chiếc F-16 kèm với "kỳ tích lịch sử" của họ, kể từ đó phía Pakistan cũng không còn đả động tới JF-17.

Không loại trừ khả năng, đó là thông tin mang tính "đánh bóng tên tuổi" JF-17.

Bởi hiện tại liên doanh sản xuất JF-17 giữa Thành Đô và Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) đang khao khát bán hàng trăm chiếc máy bay loại này với giá rẻ 25 triệu USD/chiếc phiên bản Block 1 và chỉ 28 triệu USD/chiếc JF-17 Block 2.

Nhìn chung, ở một số khía cạnh kỹ thuật (radar, vũ khí), JF-17 vượt trội MiG-21 Bison, ngang ngửa MiG-29UPB hay Mirage 2000, tuy nhiên chúng vẫn không thể nào sánh được sức mạnh "vô song" của Su-30MKI.

Thế nên, JF-17 khó lòng trở thành "trụ cột" để "chèo chống" toàn bộ lực lượng Không quân Pakistan. Một cuộc tấn công trên không tổng lực động viên các "chiến binh" ưu tú nhất Không quân Ấn Độ như Su-30MKI, MiG-29, Mirage 2000 sẽ khiến Pakistan khốn đốn.

Lẽ dĩ nhiên, Pakistan có thể bất chấp tất cả, mặc mọi lời cảnh báo của Washington sử dụng tới "bảo bối" F-16 để quyết đấu Ấn Độ. Tuy vậy, 66 chiếc F-16 A/B loại cũ và chỉ 19 chiếc F-16 C/D Block 52+ tiên tiến hơn xem ra là chưa đủ để thay đổi cán cân trên không.

Bị Mỹ khóa tay chân F-16, Pakistan còn lại gì để quyết đấu với Ấn Độ trên trời? - Ảnh 5.

JF-17 là máy bay tốt nhưng không thể đóng vai trò "trụ cột".

Cơ hội cho J-10 và J-11 "xuất ngoại"!

Không loại trừ khả năng, Pakistan có thể tính đến phương án tăng cường thêm sức mạnh trên không bằng các chiến đấu cơ Trung Quốc hiện đại hơn như J-10 và J-11.

Đã từng có thông tin về việc Pakistan sẽ mua ít nhất 36 chiếc FC-20 - phiên bản xuất khẩu của J-10, thế nhưng thương vụ này nhanh chóng chìm vào quên lãng.

Dẫu vậy, bối cảnh hiện tại là cơ hội lớn để Thành Đô thúc đẩy lại hợp đồng tiềm năng này.

Những chiếc FC-20 trang bị động cơ kiểm soát véc tơ lực đẩy WS-10B mà Thành Đô mới trình diễn tại Chu Hải 2018 ít nhiều sẽ tạo ra thách thức lớn với các máy bay của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Pakistan cũng có thể lựa chọn các máy bay tiêm kích J-11 của Thẩm Dương sở hữu những tính năng không kém Su-30MKI. Bởi đơn giản J-11 vốn là phiên bản sao chép có cải tiến sâu rộng trên cơ sở Su-27SK của Nga.

Mặc dù độ tin cậy của J-11 ban đầu không được đánh giá cao, tuy nhiên qua nhiều năm liên tục cải tiến, hiện nay dòng máy bay này nhìn chung không phải là "bình hoa di động".

Nói chung, cuộc xung đột ngày 27/2 tiếp tục khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Ấn Độ - Pakistan, nhưng đồng thời sự cố cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất máy bay chiến đấu như Nga, Trung Quốc hay cả Mỹ.

Bởi nó cho thấy rằng Ấn Độ xem ra phải tiếp tục công cuộc hiện đại hóa lực lượng không quân nước này với việc phải thay máu các máy bay MiG-21 Bison. Còn Pakistan, họ cần tìm phương án thay thế các dòng máy bay lỗi thời như F-7PG, Mirage III, Mirage 5 và cả F-16 bị "khóa tay chân".

JF-17 Thunder thử nghiệm vũ khí thông minh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại