Lương hưu tùy thuộc vào thời gian và mức đóng BHXH

Chinhphu.vn |

Theo ý kiến của cử tri tỉnh Thái Bình, Nhà nước nên tính toán lại quỹ BHXH, có thể nâng mức đóng hoặc hỗ trợ việc đóng BHXH cho một số đối tượng như giáo viên mầm non, công nhân lao động… để tránh tình trạng có những người nhiều năm cống hiến nhưng lương hưu không bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Theo quy định của pháp luật BHXH thì "mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH", theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH và mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động khi còn làm việc.

Bên cạnh đó, đối với người có từ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì được bảo đảm mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở.

Do đó, một trong những biện pháp để cải thiện mức lương hưu là việc nâng dần nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Đối với khu vực doanh nghiệp đã được thực hiện từng bước theo quy định của Luật BHXH năm 2014, theo đó: Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương, từ ngày 1/1/2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật.

Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì nội dung này đang được xem xét trong Đề án cải cách chính sách tiền lương nhà nước.

Riêng đối với giáo viên mầm non tham gia BHXH trước đây có mức lương hưu thấp, bởi: Từ ngày 19/8/1999, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chủ trương khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, có chính sách phát triển giáo dục mầm non thì giáo viên ngoài công lập (trong đó có giáo viên mầm non) mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng lương hưu, Bộ Giáo dục và Đào tạo và BHXH Việt Nam ban hành Văn bản số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 với nội dung: Người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở giáo dục mầm non trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1/1995 đến khi được tham gia đóng BHXH theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP với mức đóng tính trên mức lương tối thiểu chung.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho giáo viên có thời gian công tác trước tháng 1/1995 mà khi nghỉ việc đủ tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu thì ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho những giáo viên này với mức hỗ trợ cũng tính trên mức tiền lương tối thiểu chung.

Như vậy, nhóm giáo viên mầm non tham gia BHXH trước đây do có thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) và mức đóng BHXH chủ yếu trên mức tiền lương tối thiểu chung nên dẫn đến lương hưu thấp.

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995 và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tăng thêm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra, đối với nhóm giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được trợ cấp thêm để mức lương hưu bằng mức lương cơ sở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại