Luôn thấy bản thân kém cỏi, thường xuyên mắc sai lầm? Có thể bạn không sai, bạn đang bị 'tẩy não'

TAMMY |

Có thể bạn chính là một nạn nhân của thủ thuật thao túng tâm lý mang tên Gaslight.

Bạn có bao giờ cảm thấy bản thân kém cỏi, luôn mắc sai lầm thậm chí là "mất trí" dù đã cố gắng hết sức? Có thể bạn không sai, bạn chỉ đang là một nạn nhân của thủ thuật thao túng tâm lý mang tên Gaslight.

Gaslight là thuật ngữ xuất phát từ vở kịch "Gas Light" được sản xuất năm 1983. Thời điểm ra mắt, vở kịch không được nhiều người biết đến nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn trong tâm lý học, vượt xa lĩnh vực sân khấu đơn thuần.

Tác phẩm kể về người phụ nữ xinh đẹp Bella Manningham kết hôn với tên lưu manh Jack Manningham. Tên này vì muốn độc chiếm khối tài sản kếch xù của người vợ nên đã bạo hành tâm lý vợ một cách có hệ thống.

Luôn thấy bản thân kém cỏi, thường xuyên mắc sai lầm? Có thể bạn không sai, bạn đang bị tẩy não - Ảnh 1.

Vở kịch "Gas Light" kể về người vợ bị thao túng tâm lý tới phát điên.

Jack chủ động thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà, cất giấu các món đồ để Bella nghĩ rằng cô rất đãng trí. Anh ta còn âm thầm điều khiển đèn gas (gaslight) để vợ thấy ánh sáng mờ ảo, nhấp nhánh và tin rằng mình gặp ảo giác.

Những sự kiện kỳ lạ diễn ra thường xuyên nhưng người chồng vẫn khẳng định rằng "mọi thứ diễn ra bình thường, não em mới có lỗi", khiến cô vợ nghi ngờ sự tỉnh táo của chính bản thân mình. Theo đó, ngay khi nạn nhân tự cho rằng mình có vấn đề, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực và dễ dàng kiểm soát nạn nhân. 

Việc điều khiển, thao túng tâm lý, khiến cho nạn nhân sợ hãi và nghi ngờ bản thân như trên chính là thủ thuật Gaslight!

Nạn nhân và kẻ bạo hành

Trong những mối quan hệ Gaslight, một bên sẽ luôn đóng vai trò người đúng đắn, quyền lực, đùn đẩy mọi trách nhiệm. Bên còn lại, người bị thao túng, sẽ liên tục nghi ngờ quyết định của bản thân, lý tưởng hóa đối phương và khao khát được đối phương công nhận.

Nghe rất quen thuộc đúng không? Kẻ thao túng có thể là bất cứ ai, nam hay nữ, đối tác hay người yêu, sếp hay đồng nghiệp, bố mẹ hay anh chị em, dù bản thân họ còn không ý thức được điều đó.

Luôn thấy bản thân kém cỏi, thường xuyên mắc sai lầm? Có thể bạn không sai, bạn đang bị tẩy não - Ảnh 3.

Người bị thao túng sẽ liên tục nghi ngờ quyết định của bản thân.

Theo Tiến sĩ Robin Stern, phó giám đốc của Trung tâm EQ Yale, đôi khi, những gì nạn nhân nhận được không đơn giản chỉ là lời buộc tội.

Một người vợ muốn ly hôn có thể thường xuyên bị chồng dọa nạt rằng "cô không đủ khả năng làm mẹ đơn thân, cả kinh tế lẫn tình cảm".

Hoặc một người lao động liên tục bị thao túng rằng xin nghỉ việc sẽ khiến sự nghiệp họ tan tành, họ đang được làm việc ở môi trường tốt nhất và không có lựa chọn nào tốt hơn.

Việc sống lâu trong một mối quan hệ độc hại thao túng Gaslight sẽ khiến nhiều người tự bào mòn tự trọng của họ. Các nạn nhân cảm thấy bất an, đặt câu hỏi tại sao họ luôn là bên sai, hoặc tại sao đối phương có vẻ là một người tốt, nhưng họ không hạnh phúc trong mối quan hệ (công việc) này. Từ đây, việc thoát ra khỏi sự độc hại là vô cùng khó khăn!

Điều đáng sợ hơn là nhiều bậc phụ huynh cũng đang vô tình thao túng chính con cái mình mà không hề hay biết.

Luôn thấy bản thân kém cỏi, thường xuyên mắc sai lầm? Có thể bạn không sai, bạn đang bị tẩy não - Ảnh 5.

Nhiều bậc phụ huynh cũng đang vô tình thao túng chính con cái mình mà không hề hay biết

Một người cha nọ trong lúc dạy học cho đứa con 5 tuổi liên tục phàn nàn với người bạn rằng: "Con tôi học toán giỏi nhưng không học được văn". Sau một thời gian, đứa con gặp gỡ các bạn cũng nói câu y hệt: "Mình học giỏi toán nhưng học rất kém văn, học văn thấy không vui".

Ý định ban đầu của ông bố chắc chắn không phải cố tình "tẩy não" đứa trẻ, càng không muốn nó học dở môn văn, thế nhưng mọi lời phàn nàn trong vô thức của ông lại ảnh hưởng lớn tới bọn trẻ, đây là thao tác tâm lý điển hình của Gaslight.

Theo nhà nghiên cứu giáo dục Gao Jinguo, cha mẹ có thể thường xuyên nhấn mạnh vào điểm yếu của con, bỏ qua điểm mạnh, không chịu lắng nghe mà đã buộc tội đứa trẻ. Việc lặp đi lặp lại những lời buộc tội không chính xác sẽ khiến đứa trẻ tự nghi ngờ bản thân, chúng cũng nhanh chóng bỏ cuộc và không chịu nghiên cứu vấn đề khi gặp thất bại.

Nhận diện cách kẻ bảo hành tấn công nạn nhân bằng thủ thuật Gaslight:

1. Từ chối:

Người bạo hành có thể giả vờ không hiểu hoặc từ chối lắng nghe. Họ sẽ nói những câu như "Tôi không muốn nghe về vấn đề này nữa" hoặc là "Bạn đang cố làm tôi hoang mang phải không".

2. Phản kháng:

Người bạo hành sẽ liên tục đặt câu hỏi về trí nhớ của nạn nhân, ngay cả khi nạn nhân nhớ chính xác. "Em sai rồi, em chẳng bao giờ nhớ gì cả!" hay "Nhớ lần trước anh cũng nghĩ vậy mà rốt cuộc anh đã sai đấy".

3. Đánh lạc hướng:

Người bạo hành tìm cách đánh lạc hướng bằng cách thay đổi chủ đề sang chất vấn suy nghĩ của nạn nhân. Chiêu trò này được thể hiện qua những câu như "Rõ ràng là đang tưởng tượng ra thôi chứ làm gì có chuyện như thế!" hoặc "Cái này chắc lại là suy nghĩ điên rồ từ đứa bạn của anh/em chứ gì! Sao cứ nghe lời nó mãi thế!"

4. Tầm thường hóa:

Người bạo hành sẽ không coi trọng cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Họ sẽ nói những câu như là "Anh/em nhạy cảm quá đấy!" hoặc "Chuyện chẳng có gì mà cứ làm quá lên vậy!".

5. Giả quên/Chối bỏ:

Người bạo hành giả vờ như họ đã quên mọi chuyện hoặc chối bỏ sự thật rằng họ đã làm việc gì đó, ví dụ như việc họ chối bỏ rằng họ đã hứa với nạn nhân để không phải thực hiện lời hứa. Họ sẽ coi lời cáo buộc đúng đắn của nạn nhân là vớ vẩn vì họ "chưa bao giờ làm như vậy".

Bài viết tham khảo từ The Paper

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại