Mặc dù hiện tại không còn sự phục vụ của những chiếc cường kích có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng Harrier, trong vẫn phải chờ F-35B hoàn thiện, tuy nhiên Quân đội Anh vẫn còn trong biên chế một vũ khí cực kỳ đáng sợ, đảm nhiệm rất tốt vai trò yểm trợ hỏa lực đường không, đó chính là các trực thăng vũ trang AgustaWestland Apache AH1 (biến thể của AH-64D Longbow).
Không quân Lục quân Hoàng gia Anh bắt đầu khai thác trực thăng tấn công AH1 từ tháng 7/2004, 8 chiếc đầu tiên do Tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất và bàn giao, 59 máy bay tiếp theo được lắp ráp bởi Westland Helicopters tại Yeovil, Somerset.
So với bản gốc AH-64D Longbow thì khung thân AH1 có một vài thay đổi để phù hợp với động cơ Rolls-Royce Turbomeca. Bên cạnh đó là hệ thống điện tử hàng không cực kỳ tinh vi, đi kèm với cánh quạt gấp lại được để có thể triển khai trên tàu đổ bộ mang trực thăng HMS Ocean (L12) của Hải quân Hoàng gia.
Trực thăng vũ trang AH1 của Không quân Lục quân Anh trên chiến trường Afghanistan thời điểm năm 2008
Tuy rằng mới sử dụng chưa lâu nhưng Không quân Lục quân Anh gần đây đã chính thức loại biên một máy bay AH1 mang số hiệu ZJ177 (ảnh trên).
Tiếp nhận từ năm 2000, được triển khai tại tỉnh Helmand của Afghanistan vào ngày 4/9/2008, chiếc trực thăng trị giá 30 triệu Bảng này bị rơi tại Căn cứ tiền phương Edinburgh (Helmand, Afghanistan) khi mới cất cánh. Kết quả điều tra cho thấy đây là một lỗi kỹ thuật chứ không phải vì hỏa lực từ phía đối phương.
Do hỏng hóc quá nặng và lại cách xa cơ sở sản xuất mà chiếc ZJ177 đã phải nằm đất dưới vai trò mô hình học cụ phục vụ huấn luyện tại AAC Wattisham. Sang năm 2015, nó đã nhận quyết định loại biên và bị tháo dỡ.
Trực thăng tấn công AgustaWestland Apache AH1 trên tàu đổ bộ tấn công HMS Ocean (L12)
Chiếc trực thăng AH1 số khung ZJ177 bị "nhận sổ hưu" sớm do tai nạn nghiêm trọng, không thể tái sử dụng, điều này cũng đồng nghĩa với việc chẳng bán lại được cho ai.
Nhưng có một chi tiết khác rất đáng quan tâm, trong năm 2006, tờ Daily Telegraph cho biết có tới một nửa phi đội AH1 của Lục quân Hoàng gia Anh bị nằm đất do "không phù hợp với mục đích sử dụng". Đến năm 2008, chỉ còn 20 trong tổng số 67 chiếc trực thăng tấn công trên trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Cùng với việc Quân đội Anh đang bị thu nhỏ quy mô, không loại trừ trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều trực thăng AH1 bị rút khỏi các đơn vị thường trực để đưa sang trạng thái niêm cất bảo quản lâu dài.
Đây có thể xem như cơ hội lớn để một quân đội nào đó tăng cường sức mạnh cho lực lượng mặt đất của mình bằng cách đề nghị mua lại, do chiếc AH1 vẫn được đánh giá nằm trong danh sách máy bay lên thẳng vũ trang hàng đầu thế giới hiện nay, có sức mạnh vượt trội nhiều loại mới ra mắt như WZ-10 của Trung Quốc hay Mi-28 của Nga.
Trực thăng tấn công AgustaWestland Apache AH1 của Không quân Lục quân Anh trình diễn khả năng vận động linh hoạt