Sẵn sàng "cho không" trực thăng tấn công, Trung Quốc vẫn bị đồng minh phũ phàng

Khang Minh |

Theo cổng thông tin Eastday (ở Thượng Hải), gần đây rộ lên thông tin Pakistan từ chối mua trực thăng tấn công WZ-10 của Trung Quốc để mua 40 trực thăng T-129 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

Trước đó, Trung Quốc được cho là đã cung cấp 3 trực thăng vũ trang WZ-10 cho Pakistan - quốc gia đồng minh thân cận nhất của nước này để tạo điều kiện cho quân đội Pakistan thử nghiệm.

Thậm chí Bắc Kinh còn "bật đèn xanh" rằng nếu mua trực thăng WZ-10 của Trung Quốc, Pakistan sẽ được cho không 3 chiếc trực thăng trên.

Tuy nhiên, theo thông tin lan truyền gần đây, sau khi so sánh với trực thăng T-129 của Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan đã từ chối WZ-10 và lựa chọn T-129.

Sẵn sàng cho không trực thăng tấn công, Trung Quốc vẫn bị đồng minh phũ phàng - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công đa nhiệm T-129

Theo Eastday, thông tin này thực sự khiến nhiều người choáng váng. Phần lớn thành viên trong ngành công nghiệp trước đó đều cho rằng trực thăng WZ-10 Trung Quốc sẽ là ưu tiên số một của Pakistan vì WZ-10 có ưu thế về chất lượng. Ngoài ra, Trung Quốc hiện là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho quốc gia Nam Á này.

Eastday cho hay, lý do Pakistan mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ là vì nước này cũng sẽ cung cấp vũ khí trang bị cho phía Ankara. Có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngỏ ý sẽ mua 52 máy bay huấn luyện MFI-395 của Pakistan. Nếu thành công, đây sẽ là đơn hàng xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp hàng không Pakistan.

Điều kiện hiếm có như vậy khiến Pakistan khó có thể từ chối. Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Trong khi đó, dù thế nào Trung Quốc cũng sẽ chẳng bao giờ mua vũ khí trang bị của Pakistan.

Ngoài ra, theo Eastday, nguyên nhân còn do sự khác biệt về trình độ công nghệ và tính năng tổng thể của hai loại trực thăng này. Bên cạnh đó, dịch vụ đảm bảo hậu cần cũng là một phần nguyên nhân rất lớn khiến Pakistan từ chối WZ-10 và chọn T-129.

Nếu mua WZ-10 thì ít nhất trên phương diện vũ khí, Pakistan phải thiết lập hệ thống cung ứng và lưu trữ mới. Trong khi đó, T-129 sử dụng các loại vũ khí khá phổ biến.

Chẳng hạn, T-129 sử dụng pháo 20mm M197, giống với pháo trên mẫu AH-1S/F và AH-1Z của quân đội Pakistan, trong khi đó WZ-10 sử dụng pháo nòng đơn 23mm do Trung Quốc tự nghiên cứu.

T-129 có thể mang và bắn được nhiều loại vũ khí đạn dược do Mỹ chế tạo, như tên lửa chống tăng BGM-71, AGM-114, tên lửa không đối không AIM-9, AIM-92 và đạn rocket cỡ 70mm Hydra.

Trái lại, WZ-10 chỉ có thể mang và triển khai vũ khí do Trung Quốc tự sản xuất.

Vì vậy, đối với Pakistan, mua WZ-10 đồng nghĩa với việc phải mua cả vũ khí trang bị để "phục vụ" riêng cho nó. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với công tác cung ứng hậu cần thời chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại