Cái gọi là “Nhà nước Croatia Độc lập” được lập nên dưới sự bảo trợ của phát xít Đức và phát xít Italy trên đống đổ nát của Vương quốc Nam Tư bị tiêu diệt vào tháng 4/1941. Hai tháng sau đó, Đức xâm lược Liên Xô và “Nhà nước Croatia Độc lập” đáng lẽ có thể tránh xa xung đột này vì Mặt trận phía Đông nằm rất xa, còn trùm phát xít Hitler không đoái hoài dùng đến lực lượng vũ trang của “Nhà nước Croatia Độc lập” (NDH) cho cuộc đại chiến với Liên Xô.
Thế nhưng vào ngày 23/6/1941, ngay sau thời điểm Đức phát động chiến dịch Barbarossa, thì Ante Pavelic, thủ lĩnh của Ustaše - tổ chức phát xít dân tộc cực đoan Croatia, chính thức thông báo cho Quốc trưởng Hitler rằng NDH muốn gia nhập cuộc chiến của “các dân tộc yêu chuộng tự do chống lại chủ nghĩa cộng sản” và sẵn sàng gửi quân đến Mặt trận phía Đông. Hitler đã chấp nhận đề nghị này.
Tuy nhiên, các chính sách của Pavelic gây ra sự chia rẽ trong chính xã hội Croatia – một bộ phận đáng kể trong đó không ủng hộ phe Quốc xã lên nắm quyền ở Croatia. Khi biết được Đức xâm lược Liên Xô vào ngày 22/6/1941, những người cộng sản do Josip Broz Tito (mang hai dòng máu Croatia và Slovenia) lãnh đạo đã phát động phong trào kháng chiến vũ trang quy mô lớn chống lại phe Ustaše, Đức Quốc xã, và phát xít Italy. Phong trào này lớn mạnh nhanh chóng, và trong các tháng tiếp theo đã lan tới hầu hết lãnh thổ Croatia, Bosnia và Herzegovina (lúc này đã đã bị sáp nhập vào NDH), Montenegro và Serbia, đoàn kết những người Serbia, người Hồi giáo Bosnia, người Montenegrin, người Macedonia, và người Slovenia có tư tưởng chống phát xít.
Đội quân du kích của Tito trở thành lực lượng mạnh nhất và được tổ chức tốt nhất trong phong trào kháng chiến vũ trang chống phát xít ở các nước châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Số lượng chiến binh trong đội quân này tăng từ 80.000 (năm 1941) lên 800.000 vào năm 1945.
Lê dương Croatia
Phần lớn quân đội NDH phải đóng lại trên lãnh thổ Croatia để chiến đấu cùng quân phát xít Đức và Italy chống lại quân du kích của Tito. Đó là lý do vì sao các đơn vị Ustaše được gửi đi chiến đấu chống lại Liên Xô lại chủ yếu bao gồm các lính tình nguyện.
Trung đoàn Bộ binh tăng cường 369 gồm 4.000 lính đã được thành lập để đối đầu với Hồng quân. Thành phần cốt cán của trung đoàn này là người Croatia, ngoài ra cũng có cả người Hồi giáo Bosnia.
Trung đoàn trên là một bộ phận chính thức của Sư đoàn Bộ binh hạng nhẹ 100 bên trong Lục quân Đức. Từ ngày 7/7/1942, đơn vị này được biết đến với cái tên Sư đoàn Jaeger số 100. Người Croatia mặc quân phục Đức với các phù hiệu cói các ô trắng đỏ kiểu bàn cờ và dòng chữ Hrvatska (nghĩa là “Croatia”) ở phần trên tay áo quân phục và cạnh bên của mũ sắt.
Trung đoàn được gọi là “tăng cường” là vì nó được giao thêm một pháo đội 18 khẩu 105mm.
Ác mộng Stalingrad
Vào đầu tháng 10/1941, các thành viên lực lượng Lê dương Croatia đặt chân lên Ukraine, nơi chúng tham gia cuộc tiến công của Cụm Tập đoàn quân phía Nam.
Marko Blajkovic, một binh sĩ thuộc đại đội chống tăng bị Hồng quân bắt làm tù binh, nhớ lại: “Quân Đức đối xử với chúng tôi rất tệ... Khi chúng tôi tới một ngôi làng, chúng chiếm tất cả các buồng ngủ, còn chúng tôi phải ra ngoài đồng ngủ. Điều này dẫn tới tình trạng căm phẫn trong số người Croatia. Ngoài ra so với người Đức, người Croatia nhận được khẩu phần ăn èo ọt hơn”.
Vào ngày 27/9/1942, trực thuộc Sư đoàn Jaeger 100, Lê dương Croatia bước vào trận Stalingrad. Đây trở thành đơn vị nước ngoài duy nhất liên minh với Đức chiến đấu trực tiếp trên các đường phố của Stalingrad, thay vì ẩn nấp ở hậu cứ hoặc lui về phía sau để che chắn sườn cho Tập đoàn quân số 6 của Krasny Oktyabr, giống như quân Italy và Romania.
Lính Lê dương Croatia coi đây là một vinh dự lớn và đã tham gia một số trận chiến dữ dội để tới được bờ sông Volga, nơi chúng giao tranh đẫm máu để giành quyền kiểm soát nhà máy luyện kim Krasny Oktyabr.
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn số 2 Ivan Koric mô tả việc đơn vị của y tham gia trận Stalingrad như sau: “Chúng tôi tiến tới vị trí của Trung đoàn 227, bò qua các rãnh và hố lớn do bom đạn tạo ra. Dưới ánh trăng, máy bay Xô viết dễ dàng phát hiện ra chúng tôi và bắt đầu giội bom phốt-pho lên đầu chúng tôi. Bom này cháy rực sáng sau khi phát nổ. Nhiều binh sĩ dưới quyền của tôi bị thiêu sống. Cảnh tượng thật kinh hoàng . Nhiều người lính cả bị thương lẫn chưa bị thương nhảy vội lên hào và tìm đường tháo chạy, mặc kệ các đồng đội đang bốc cháy... Tiểu đoàn của tôi, hiện thuộc Trung đoàn 227, tiến lên đầy khó khăn, giành giật từng tòa nhà”.
Theo một số nguồn, Bộ Tổng tham mưu quân Đức chuẩn bị đặt lại tên cho Sư đoàn Jaeger 100 thành Sư đoàn Jaeger Đức-Croatia 100 nhằm thể hiện sự tôn trọng. Tuy nhiên, vào ngày 19/11/1942, phía Liên Xô tổ chức một cuộc phản công bất ngờ quy mô lớn khiến không ai trong Bộ Tổng tham mưu Đức còn tâm trạng nghĩ đến chuyện đặt lại tên nữa.
Sau các trận chiến mùa đông dữ dội, lực lượng lê dương trên thực tế đã ngừng tồn tại. Những ai còn sống sót đã bị Hồng quân bắt làm tù binh.
Khoảng 1.000 lính thuộc lực lượng lê dương Croatia đã được sơ tán khỏi Stalingrad bằng đường hàng không. Chúng gia nhập Sư đoàn Bộ binh Croatia 369, lúc đó đang chiến đấu chống lại du kích Tito ở vùng Balkan. Chúng không bao giờ quay trở lại Mặt trận phía Đông nữa.
Cũng phải lưu ý rằng không phải tất cả các quân nhân NDH đều chiến đấu trong đội hình quân Đức. Theo yêu cầu của Italy, một lữ đoàn vận tải hạng nhẹ Croatia gồm 1.200 quân đã được triển khai cùng Tập đoàn quân Italy số 8 trên lãnh thổ Liên Xô. Lữ đoàn này đã bị xóa sổ trong các trận đánh trên sông Đông vào tháng 12/1942.
Lực lượng lê dương không quân và hải quân Croatia
Vào đầu tháng 10/1941, Cụm Tập đoàn quân phía Nam được củng cố thêm bằng không chỉ Trung đoàn Bộ binh tăng cường 369 mà còn cả Phi đoàn Tiêm kích số 4 – một bộ phận thuộc Lực lượng lê dương Không quân Croatia. Các phi công Croatia lái máy bay Messerschmitt Bf 109 nhận được nhiều ngợi khen từ phía Bộ chỉ huy quân Đức.
Trước khi trở lại vùng Balkan vào tháng 7/1944, Croatia đã bắn hạ tổng cộng 283 máy bay Liên Xô. Có tới 14 phi công Croatia đạt danh hiệu phi công hạng ace (dành cho các phi công bắn rơi được ít nhất 5 máy bay đối phương). Có 4 phi công Croatia được Đức tặng Huân chương Thập Sắt hạng nhất và hạng nhì.
Mato Dukovac là phi công Croatia bắn rơi nhiều phi cơ Liên Xô nhất (tới 44 chiếc). Mặc dù vậy, viên phi công này về sau vẫn đào tẩu sang Hồng quân Xô viết. Sau đó, Dukovac làm giáo viên trong lực lượng không quân Liên Xô và Nam Tư.
Phi đoàn Oanh tạc cơ số 5 thì hoạt động dịch về phía bắc nhiều hơn, tham gia ném bom thành phố Leningrad và Moscow.
Bắt đầu từ mùa thu năm 1941, một lực lượng lê dương hải quân Croatia được sáp nhập vào hải quân Đức, hoạt động ở Biển Đen. Tương tự đồng đội lục quân và hải quân, các quân nhân này cũng mặc quân phục Đức với phù hiệu trên ống tay mang hình quốc hiệu Croatia.
Lực lượng Croatia này được trang bị thiết bị dò mìn và thuyền tấn công cao tốc. Chúng có nhiệm vụ rải thủy lôi, bảo vệ bờ biển và săn tàu ngầm Liên Xô. Vào mùa xuân 1941, lực lượng này bị giải tán và binh sĩ được đưa tới chiến đấu ở vùng biển Adriatic./.