Lục đục vì khí đốt: Cuộc chiến ở Ukraine đang bào mòn sự đoàn kết của EU?

Thu Hoài |

Cuộc xung đột tại Ukraine và những hệ lụy kéo theo đó đang gây ra những vết rạn khó lành đe dọa sự đoàn kết và thống nhất của Liên minh châu Âu.

Châu Âu đang chật vật khi không có khí đốt của Nga (Ảnh: Reuters).

Châu Âu đang chật vật khi không có khí đốt của Nga (Ảnh: Reuters).

Đức cuối tuần qua đã công bố gói viện trợ khổng lồ 200 tỷ euro (gần 196 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế khỏi suy thoái do giá khí đốt và điện tăng vọt. Tuy nhiên, bước đi đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của những nước thành viên khó khăn của khối, vốn đang “quay cuồng” trong bão giá và khủng hoảng năng lượng.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Italy Mario Draghi đã mạnh mẽ chỉ trích gói cứu trợ của Đức đang làm “bóp méo” thị trường nội khối khi gây khó khăn cho doanh nghiệp tại những quốc gia thành viên nghèo hơn ở Trung và Đông Âu hoặc những nước mắc nợ quá nhiều như Italy hay Hy Lạp. Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierrey Breton thì cho rằng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải được thực hiện với sự minh bạch và tham vấn chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Pháp dù không chỉ đích danh Đức, song nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến các quốc gia phía Đông và phía Nam.

Một số quốc gia thành viên khác lại không hài lòng với thời điểm đưa ra thông báo của Đức, ngay trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng châu Âu. Đức cũng là nước phản đối đề xuất được 15 quốc gia thành viên khác ủng hộ, trong đó có Pháp và Italy, áp trần giá khí đốt của Nga.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz lo ngại biện pháp một khi được triển khai trên thực tế sẽ chỉ càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng tại châu Âu. Với 58% lượng khí đốt tiêu thụ là nhập khẩu từ Nga, Đức đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế dài hạn và 1/10 tập đoàn công nghiệp tại nước này đã phải cắt giảm sản lượng do giá năng lượng cao.

“Điều quan trọng lúc này là phải giảm giá khí đốt, giảm áp lực giá cả cho người tiêu dùng, cho các gia đình, người hưu trí, người lao động và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp lớn. Đó là điều cần thiết để đưa chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đức có một nền kinh tế hùng mạnh, có nền tài chính công ổn định và điều này có được cũng là nhờ nền chính trị rất thận trọng mà chúng ta đã làm trong những năm gần đây”.

Cuối tuần qua, 27 nước thành viên đã nhất trí về một gói các biện pháp với quy mô chưa từng có. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ phải thực hiện các bước đi nhằm giảm tiêu thụ điện 5% trong giờ cao điểm bắt đầu từ ngày 1/12 đến 31/3, thu lợi nhuận vượt mức từ các công ty năng lượng để hỗ trợ người tiêu dùng và đánh thuế hoạt động sản xuất hydrocacbon và lọc dầu của các công ty dầu mỏ ở châu Âu.

Ủy ban châu Âu ước tính những khoản thuế đánh vào các công ty sản xuất điện và dầu mỏ sẽ mang lại 140 tỷ euro, tương đương 1% GDP của Liên minh châu Âu. Số tiền này sẽ giúp châu Âu tài trợ cho các biện pháp chống khủng hoảng như kiềm chế giá khí đốt và điện. Tuy nhiên kế hoạch đã vấp phải sự hoài nghi của chính các nước thành viên. Một số cho rằng điều này là quá sức và khó có thể bù đắp được chi phí năng lượng không ngừng tăng cao ở châu Âu, ước tính lên tới hơn 6% GDP trong 2 năm tới.

Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela thừa nhận: “Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt về kỹ thuật ngay cả trong cách tiếp cận của các quốc gia riêng lẻ và chúng tôi sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu thành lập một nhóm chuyên gia để đánh giá tác động của tất cả các phương án. Kỳ vọng của người dân là rất cao và chúng ta không thể để họ thất vọng”.

Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đang “bào mòn” sự đoàn kết và thống nhất của Liên minh châu Âu . Hiện vẫn chưa thể biết những căng thẳng hiện nay sẽ leo thang đến mức nào, song rõ ràng người tiêu dùng và doanh nghiệp ở châu Âu đang phải gánh chịu phần thiệt hại.

Cơ quan thống kê châu Âu ước tính, giá năng lượng và lương thực tăng đã đẩy tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên cao nhất trong 25 năm, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được cho là sẽ càng gia tăng sức ép buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt giá cả và nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ là khó tránh khỏi. /.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại