Trong bài viết có tiêu đề: The comprehensive cooperation over 30 years: for the prosperity and welfare of the EU and Vietnam's citizens (Hợp tác toàn diện hơn 30 năm: Vì sự thịnh vượng và phúc lợi của người dân EU và Việt Nam), báo The Brussels Times của Bỉ đã nhận định Việt Nam đang trở thành một "ngọn hải đăng trong khu vực".
Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết nói trên.
---
Sau hơn 30 năm hợp tác, Việt Nam - một đối tác phát triển của Liên minh châu Âu (EU) tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành ngọn hải đăng trong khu vực với khả năng kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao, trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.
Hợp tác giữa EU và Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại và phát triển bền vững, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời thúc đẩy đối thoại song phương để ứng phó với những thách thức và khủng hoảng toàn cầu.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của EU sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để quan hệ song phương phát triển hơn nữa, khi EU là một trong những đối tác hàng đầu của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và rộng hơn là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ảnh: The Brussels Times
"Ngọn hải đăng" cho phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực
Dù kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, nhưng các tổ chức tài chính quốc tế vẫn đưa ra những dự báo rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố trong tháng 8 vừa qua dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng đáng kể từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, trong khi mức lạm phát được duy trì ổn định ở mức 3,8%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7% vào năm 2023, cao hơn đáng kể so với mức dự báo tăng trưởng trung bình của khu vực và toàn cầu.
Gần đây nhất, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với với triển vọng ổn định. Nikkei (Nhật Bản) đánh giá chỉ số phục hồi hậu COVID-19 của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc.
Các nhà phân tích kinh tế quốc tế nhận định rằng những kết quả nổi bật của Việt Nam là nhờ chính phủ đã áp dụng các chính sách linh hoạt như hỗ trợ lãi suất thấp, duy trì tăng trưởng tín dụng, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm hội tụ của các chính sách này là sự kết hợp giữa yếu tố thị trường, công cụ quản lý của nhà nước, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội Việt Nam, cũng như các động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam trước những phản hồi, ý kiến đóng góp của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp EU.
Ảnh: The Brussels Times
Ngoài ra, việc Việt Nam triển khai sớm Chiến lược sống chung an toàn với đại dịch COVID-19 và đẩy nhanh tỷ lệ tiêm phủ vaccine COVID-19 đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, ổn định thu nhập của người lao động và sinh kế của người dân.
Đầu tháng 9 vừa qua, các em học sinh Việt Nam đã có buổi lễ khai giảng năm học trực tiếp đầu tiên sau hai năm đại dịch.
Ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã được phục hồi như trước đại dịch, thậm chí ngành du lịch đã hoạt động với công suất cao trong mùa hè để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Không khí phấn khởi, lạc quan xuất hiện đã tạo động lực phát triển mới cho đất nước.
EU - Việt Nam hợp tác cùng phát triển
Trong suốt hơn 30 năm qua, quan hệ EU - Việt Nam không ngừng được củng cố và trở thành hình mẫu cho quan hệ đối tác phát triển, hợp tác khu vực và quốc tế. EU là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được triển khai vào năm 2019, trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng lên rõ rệt. Tổng kim ngạch năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020.
Trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ EVFTA, Việt Nam có thể nhập hàng hóa chất lượng cao từ EU với mức giá hợp lý hơn, đồng thời các loại hàng hóa của Việt Nam cũng không ngừng được cải tiến và nâng cao để đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn của EU.
Các cam kết trong EVFTA, đặc biệt về Thương mại và Phát triển bền vững, đang góp phần thay đổi văn hóa sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống và quyền lợi của người lao động theo tiêu chuẩn EU.
Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và tập đoàn quốc tế. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á và xếp thứ hai ở Châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Việt Nam mới đây cũng đã công bố và lên kế hoạch cho nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông nhằm mở rộng mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối cảng biển, sân bay với các trung tâm công nghiệp và logistic trên cả nước.
Ảnh: The Brussels Times
Quy mô và tốc độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng đã tạo ra không gian phát triển mới cho các vùng nông thôn và miền núi của Việt Nam.
Hệ thống cơ sở hạ tầng mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nông sản, cải thiện sinh kế của người nông dân, thu hút đầu tư kinh doanh vào các nhà máy, khu công nghiệp sản xuất - chế biến, và tạo việc làm mới. Việt Nam đang từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn và nông nghiệp của đất nước.
Các công ty châu Âu ngày càng coi Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy triển vọng với nhiều dự án chất lượng và bền vững. Số liệu thống kê gần đây từ một số nước EU cho thấy xu hướng đầu tư gia tăng, chẳng hạn như Hà Lan (+ 26%), Đan Mạch (+ 240%), Thụy Điển (+ 63%), Cộng hòa Ireland (+ 235%), và Bỉ (+ 284%).
Đầu tư tài chính của EU tập trung vào các công ty công nghệ cao và có xu hướng mở rộng sang các dịch vụ như bưu chính, tài chính, lĩnh vực công nghệ sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm và dược phẩm.
Nhiều chỉ số được cải thiện, chẳng hạn như mức độ hài lòng của chủ doanh nghiệp đối với Nỗ lực thu hút và duy trì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. 76% số chủ doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng các công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III năm 2022.
Trong khi đó, Eurocharm đánh giá Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tạo ấn tượng với các nhà đầu tư chất lượng cao và đảm bảo vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà đầu tư châu Âu đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Cùng với nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường kinh tế, Việt Nam không ngừng nâng cao các cam kết đối với thương mại bền vững. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 Công ước Lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản (Thương lượng tập thể, Phòng chống Phân biệt đối xử Lao động, Lao động Trẻ em và Cưỡng bức).
Đáng chú ý, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm nhất hai công cụ của ILO về An toàn vệ sinh lao động, dự kiến sẽ được bổ sung vào nhóm các Công ước cơ bản.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) ở Glasgow năm 2021, Việt Nam và EU đã cùng khởi xướng và đưa ra những cam kết cao nhất về bảo vệ môi trường. Cam kết này thể hiện tiếng nói chung của Chính phủ Việt Nam và EU khi đứng trước những thách thức đối với nhân loại và hành tinh, đồng thời đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy của EU trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Việt Nam và EU chia sẻ nhiều mục tiêu và tầm nhìn trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển xanh và bền vững, đổi mới và chuyển đổi số.
Thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực đa dạng sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược và có điều kiện để cải thiện sinh kế của con người, đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại và sự phát triển của thế giới./.
Theo Brussels Times