Sầu riêng Việt Nam vào Trung Quốc theo đường chính ngạch
Theo trang tin tài chính Yicai của Trung Quốc, sở dĩ nói là "chính ngạch" vì trước đây, sầu riêng Việt Nam chỉ có thể vào thị trường Trung Quốc qua đường biên mậu. Sau nhiều năm đàm phán, vào tháng 7 năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký thỏa thuận cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam vào Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói rõ trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào chiều ngày 19/9 rằng, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với phía Việt Nam để hỗ trợ phát huy hết lợi thế của các ngành sản xuất, mở rộng hợp tác kinh tế, đảm bảo qua lại biên giới thông suốt, tăng cường nhập khẩu nông sản Việt Nam chất lượng cao để bán trên thị trường Trung Quốc.
Xe sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Ảnh: cb.com.cn
Những năm gần đây, nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận. Trước sầu riêng, thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh leo của Việt Nam đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Theo trang "Kinh tế Trung Quốc", lô sầu riêng được vận chuyển sang thị trường Trung Quốc lần này là những quả sầu riêng được trồng ở tỉnh Đắk Lắk. Trái sầu riêng Đắk Lắk không chỉ to mà còn có hạt nhỏ, cùi dày, mùi rất thơm… là một loại trái cây hảo hạng không thể bỏ qua.
Đại diện của công ty bán lẻ hoa quả Pagoda – đơn vị phân phối lô sầu riêng này của Việt Nam tại trường Trung Quốc - tiết lộ, sau khi sầu riêng Việt Nam về đến kho của Pagoda, công ty sẽ tung ra tất cả các kênh, người tiêu Trung Quốc dùng không chỉ có thể mua những trái sầu riêng Việt Nam tại các cửa hàng ngoại tuyến của Pagoda, mà còn thông qua các trang thương mại điện tử khác.
Theo trang "Kinh tế Trung Quốc", trước đây, sầu riêng bán tại thị trường Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng Thái Lan. Việc nhập khẩu sầu riêng Việt Nam theo đường chính ngạch sẽ giúp lấp đầy khoảng trống về mùa vụ từ tháng 8 đến tháng 10 của sầu riêng Thái Lan trước đây trên thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, cũng theo trang "Kinh tế Trung Quốc", khi Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế "lấy trái sầu riêng làm trung gian", sẽ có nhiều công ty Trung Quốc phát huy lợi thế của mình, đầu tư vào thị trường sầu riêng, cho phép người tiêu dùng nước này thưởng thức trái sầu riêng thơm ngon, giá rẻ của Việt Nam một cách thuận tiện hơn.
Thị phần của sầu riêng Thái Lan có thể bị thu hẹp
Tờ Thaizhonghua của Thái Lan ngày 13/9 nhận định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc sẽ chậm lại qua từng năm. Mặc dù vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trên thị trường Trung Quốc, nhưng thị phần của sầu riêng Thái Lan sẽ bị chia sẻ bởi các nước láng giềng ASEAN như Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và Malaysia.
Nếu Việt Nam, Lào và Myanmar - ba nước thành viên ASEAN tiếp giáp với Trung Quốc - phát triển mạnh ngành sầu riêng của mình, thì Thái Lan sẽ không chỉ chật vật để duy trì vị thế là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, mà còn cả thị phần sầu riêng ở Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Năm 2021, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc là 807.277 tấn; và trong nửa đầu năm 2022 là 500.546 tấn, tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo tờ Thaizhonghua, việc Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị phần của sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc.
Hiện sầu riêng Thái Lan có thể xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển, đường hàng không và đường bộ, trong đó vận chuyển bằng đường bộ phải qua nước thứ ba. Nếu đi qua Việt Nam thì vào Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây, hoặc đi qua Lào thì vào Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam.
Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc là 500.546 tấn, tăng 5,20% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Sohu
Theo tờ Thaizhonghua, chính vì nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của người tiêu dùng Trung Quốc rất lớn mà các nước láng giềng đã trồng sầu riêng với quy mô lớn, và Việt Nam chắc chắn là một trong những đối thủ mạnh nhất của Thái Lan, tương tự như trong hoạt động xuất khẩu gạo. Với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong nhiều năm, nhưng Thái Lan đã cũng bị Việt Nam vượt qua, và hiện Thái Lan chỉ còn đứng ở vị trí thứ ba (sau Ấn Độ và Việt Nam). Việc sầu riêng có lặp lại con đường cũ trong tương lai hay không là điều đáng lo ngại đối với người Thái.
Ví dụ mới nhất là việc sầu riêng Việt Nam bắt đầu "mượn đường" Thái Lan để sang thị trường Trung Quốc khi nguồn cung sầu riêng ở miền đông và miền nam Thái Lan không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là giá của sầu riêng Việt Nam rẻ hơn 3-4 lần so với sầu riêng miền nam Thái Lan: sầu riêng miền nam Thái Lan có giá 300 baht/kg (190.000 VNĐ), còn sầu riêng Việt Nam chỉ có giá 80 baht/kg (50.000 VNĐ). Nguyên nhân chính là do sản lượng sầu riêng ở miền nam Thái Lan thấp: 1 triệu cây sầu riêng chỉ cho sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam, đến năm 2021, cả nước có 84.800 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng 700 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở vùng Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Hiện đã có 123 vùng trồng sầu riêng được đăng ký chính thức và 57 nhà máy phân loại, đóng gói.
Nhắc đến Lào, quốc gia này hiện đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sầu riêng từ Trung Quốc và Việt Nam. Số liệu do Bộ Nông nghiệp Thái Lan tiết lộ cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm có khoảng 20 triệu cây giống sầu riêng được cấy ghép ở Thái Lan, đa phần được sử dụng để trồng trong nước, nhưng khoảng một phần tư trong số đó được vận chuyển sang các nước láng giềng, nhiều nhất là Lào.
Ngoài ra, Campuchia cũng được coi là vùng sản xuất sầu riêng mới nổi. Tờ Khmer Times của Campuchia ước tính, nước này hiện có 5.289 ha diện tích trồng sầu riêng với sản lượng 36.656 tấn/năm. Campuchia cũng đang tích cực thảo luận về các vấn đề xuất khẩu với Trung Quốc.