Lụa Trung Quốc bán công khai tại làng lụa lâu đời nhất Việt Nam

Cường Ngô - Dung Hà |

Lụa Vạn Phúc là hàng dệt lụa thủ công lâu đời nhất Việt Nam nhưng ngay tại làng lụa trứ danh này, lụa Trung Quốc cũng được bán tràn lan, khó kiểm soát.

Bê bối Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác thương hiệu Việt Nam khiến nhiều làng nghề dệt lụa truyền thống như Vạn Phúc, Nha Xá được phen “nóng” lên. Bởi thực tế, nội tại những làng lụa lâu đời nhất này, hàng Trung Quốc vẫn được bán công khai.

Một tuần sau bê bối, PV tìm về làng lụa Vạn Phúc để tìm hiểu thực hư sự việc. Qua cổng làng dễ dàng bắt gặp hàng chục cửa hàng lụa với đủ mặt hàng như khăn, áo, váy... song không còn sự tấp nập bán mua như trước.

Lụa Trung Quốc bán công khai tại làng lụa lâu đời nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Cửa hàng lụa thưa thớt bán mua.

Chị H - Chủ một cửa hàng bán lụa ở Vạn Phúc nói: “Sau vụ ông Hoàng Khải bán lụa Trung Quốc nhiều người e dè với các sản phẩm lụa, khách đến quán nhưng chỉ lướt xem qua một vài mẫu mã, rất hiếm người mua”.

Cũng theo chủ cửa hàng này, giá các sản phẩm lụa trong cửa hàng dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, đủ thể loại. Khu vực Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc bán lụa chuẩn, còn một số hộ kinh doanh tự do bán thêm những mặt hàng của làng nghề khác và hàng Trung Quốc, để đa dạng sản phẩm, mẫu mã.

“Hàng Trung Quốc mẫu mã khá ổn, mỗi mẫu có gần 20 màu để khách hàng lựa chọn. Người tiêu dùng không đủ khả năng mua hàng chính hãng có thể lựa mua lụa Trung Quốc”, chị H nói, đồng thời cho biết mặt hàng có xuất xứ như thế nào đều giải thích rõ cho khách, và sản phẩm đó đều phải niêm yết về giá, nguồn gốc.

Qua tìm hiểu, giá những chiếc khăn lụa Trung Quốc từ 40.000 đồng - 300.000 đồng. Hàng khăn tơ lụa voan đóng hộp khoảng 80.000 đồng, khăn đũi thêu và khăn đũi hoa văn có giá trên 200.000 đồng. Theo chủ cửa hàng TA silk, lụa Trung Quốc rất mỏng, chỉ sử dụng làm khăn, không sử dụng may quần áo được.

PV hỏi có trường hợp khách hàng bị lừa bởi sự nhập nhèm giữa lụa Trung Quốc và lụa Hà Đông, nữ chủ cửa hàng này cho hay điều này không tránh khỏi nếu như chủ cửa hàng không có tâm bán hàng.

Lụa Trung Quốc bán công khai tại làng lụa lâu đời nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Lụa dệt truyền thống.

Vậy có giải pháp nào để tránh sự nhập nhèm đó, chủ cửa hàng TA silk bộc bạch, gần đây nhiều hộ dệt lụa Vạn Phúc đã dệt chữ nổi “lụa Hà Đông” ngay trên mép của tấm vải. “Chữ nổi dệt trực tiếp lên lụa thì không thể làm giả được”, người phụ nữ này nói.

Chia sẻ với PV, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, sau bê bối Khaisilk, người dân làng nghề rất hoang mang, lo lắng, thậm chí đề phòng. Hai ngày nay, lực lượng QLTT xuống kiểm tra khiến cuộc sống kinh doanh xáo trộn.

Về việc hàng Trung Quốc bán lẫn với lụa Vạn Phúc, ông Hà xác nhận có sự việc trên. Một số hộ kinh doanh tự do nhập hàng Trung Quốc về bán, song những sản phẩm này phải có niêm yết về giá, nguồn gốc.

Nếu trường hợp nào cắt dán mác Trung Quốc để dán mác lụa Vạn Phúc bị phát hiện sẽ đề nghị xử lý nghiêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại