Những hung thủ trong tưởng tượng
Ở một xã hội văn minh, có hai thứ không bao giờ nên chậm, đó là cảm ơn và xin lỗi.
Việc xử lý khủng hoảng của bà mẹ ấy thông minh hơn rất nhiều những người tự nhận (hoặc được mệnh danh) là "phù thủy truyền thông".
Chân thành, thẳng thắn, cầu thị và chạm đến trái tim của người khác, luôn là cách xử lý thông minh nhất.
Mạng xã hội là thỏi nam châm ghê gớm nhất khiến những cây kim xảo trá sẽ bị hút ra khỏi chiếc bọc xảo trá, vòng vo, ngụy biện. Vụ "nước mắm bốc mùi", vụ xây biệt phủ bằng chạy xe ôm, buôn chổi chít, là những ví dụ chân thực nhất.
Trước khi có lời xin lỗi đúng, Hằng Karose đã sai khi viết status, vì chị "tư duy quá nhanh".
Không có mặt ở nơi xảy ra vụ việc nhưng chỉ một khoảnh khắc "tư duy theo kiểu bàn phím của cộng đồng mạng điển hình" và sự "thương con mù quáng" (như chị thừa nhận), Hằng đã "tự vệ" bằng gạch đá, dù chẳng có ai tấn công mình.
Hàng ngàn người ở Hải Dương, Hà Nội đã "phản ứng quá nhanh" để bảo vệ con cái mình khỏi bọn bắt cóc trong tưởng tượng.
Hai bà bán tăm tre nghèo khổ cũng như hai doanh nhân bảnh bao, trong mắt những người "nghĩ quá nhanh", đều là phường giả dạng tinh vi để che đậy thân phận mẹ mìn.
Trong cơn giận dữ bộc phát, hình ảnh hiền lành nhất mà người đang giận nghĩ đến, cũng có móng vuốt của một con quỷ.
Bôi trơn để sống nhanh
"Bệnh sống quá nhanh" không xuất phát từ mạng xã hội, mà là từ đời thực, toan tính thực, lo toan thực.
Từ những việc nhỏ như thủ tục chứng tử, xin học cho con, cấp sổ đỏ, vào biên chế... đến việc lớn như thăng quan tiến chức, nhiều việc khiến người ta thấy rõ "nếu không biết cách sống nhanh", họ sẽ bị bỏ qua một cách thê thảm.
Phương tiện giúp họ "sống nhanh" trong những trường hợp ấy, được hiểu là tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ, quan hệ. Nếu chỉ có "trí tuệ" không thôi, thì vẫn có thể tiến chậm như thường.
Tôi quen một nhà văn. Người nhiều chữ nghĩa thì thường không thạo những thứ về thủ tục hành chính.
Sau một lần bị "hành là chính" ông phải thốt lên đầy tính phát hiện: Chắc ít nơi nào trên thế giới mà xã hội mà lại xuất hiện một tầng lớp đông đảo, chuyên nghiệp và hiệu quả cực nhanh như Cò.
"Không học hành chuyên môn gì, nhưng vào tay Cò, thủ tục đi nhanh như điện. Tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo" - ông cười, tay vân vê như đang đếm tiền.
Chậm công, nhanh tư
Mỗi ngày, từ trẻ con đến người lớn chúng ta, đều phải đối mặt với câu hỏi: Sống nhanh hơn sống chậm? Và đáng buồn là rất nhiều người lựa chọn sống nhanh, dù cái nhanh ấy của mình có thể gây chậm cho bao người khác.
Sáng đi làm, gặp tắc đường, muốn nhanh nên cướp đèn xanh của người khác (bằng việc vượt đèn đỏ) hoặc cướp lối của khách bộ hành (bằng việc phi xe lên vỉa hè).
Muốn nhanh khi xem phim, xếp hàng siêu thị, check in sân bay, thì chỉ có cách cướp thời gian và sự kiên nhẫn của người khác.
Muốn con tiến nhanh trên "con đường bệnh thành tích" nên tìm mọi cách đi tắt chạy trường trái tuyến, đẩy chính mình và những đứa trẻ đúng tuyến vào cảnh quá tải.
Chưa là công chức nhưng muốn ghế trên ngồi tót sỗ sàng, nên cần có tên lửa đẩy cực nhanh bắn một phát lên quỹ đạo Phó GĐ Sở Y tế.
Không có bằng tốt nghiệp cấp 2, nhưng ông cậu vẫn được ông cháu làm GĐ trung tâm Y tế dạy "khinh công", nhảy thẳng lên chức trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Lâu rồi, người ta không dùng từ sống gấp như một hiện tượng xã hội nữa, vì nó đã trở thành bình thường.
Một nữ cán bộ xã, xử lý thủ tục (việc công) cho dân chưa chắc đã nhanh, nhưng lại vô cùng tốc độ khi lao vào nhà nghỉ, đóng chặt cửa để đưa thuốc cho phó bí thư xã (việc tư).
Thiên di để được sống chậm
Các cặp vợ chồng sống nhanh đến nỗi nằm cạnh nhau trên giường ngủ nhưng mỗi người ôm một điện thoại lướt facebook nhoay nhoáy trong khi tiếng mẹ đẻ thì ngày càng chậm đi trông thấy vì cả ngày chả nói với nhau được vài câu.
Những status check in và selfie ở quán bia, tiệm massage, nơi nghỉ dưỡng ngày càng nhiều hơn gấp bội check in bữa cơm gia đình.
Những đứa trẻ 2-3 tuổi cũng đã phải sống quá nhanh với games, tivi, đồ điện tử vì thời gian của bố mẹ chúng giành cho gia đình, chơi với chúng, học cùng chúng... cũng nhanh như điện xẹt.
Vụ cậu bé 15 tuổi kéo violon, nhiều hot facebooker vào cuộc cực nhanh phỉ báng những người thực hiện công vụ. Đương nhiên số like share cũng tăng lên cực nhanh.
Nhưng khi gió đảo chiều, người mẹ cậu bé xin lỗi, chỉ thấy có một số hot facebooker xin lỗi và coi là bài học tự răn mình đừng sống quá nhanh, quá nguy hiểm. Số còn lại im lặng hoặc tiếp tục quay sang rất nhanh để xỉ vả người mẹ.
Chỉ trong vòng nửa năm nay, 3-4 người bạn của tôi quyết định thiên di sang Úc, New Zealand, Canada.
Một trong những lý do quan trọng khiến họ ra đi, là để được sống chậm ở nhiều khía cạnh: Không phải bon chen, chụp giật; sống chậm với thiên nhiên, hiền hoà với con người.
Tôi đã đọc được ở đâu đó một câu rất hay: "…Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê xứ nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…".
Một thiền sư của CLB thiền Trong suốt (thuộc UNESCO) đã nói đại ý rằng: Không nên phản ứng nhanh khi ta đang thấy bất bình, không nên mắng mỏ, gửi email cho người khác, like, comment, viết status... khi ta đang giận dữ.
Hãy dừng lại, hít thở thật sâu, chậm lại một chút để lý trí dần kiểm soát, tránh khẩu nghiệp xấu làm tổn thương đến người khác.
Cảm ơn và xin lỗi kịp thời không khó, nếu chính chúng ta chân thành và cầu thị. Nhưng học để biết cách sống chậm không dễ vì nó cần sự buông bỏ và biết hy sinh, cần thái độ sống đúng.
Nhưng những ai không biết sống chậm ở nhiều khía cạnh, chắc chắn sẽ khó thấu hiểu tận cùng và cảm nhận sâu sắc giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực trong đời thực chứ không phải là chỉ số like, share hoặc thả tim "ảo diệu" trên facebook.