Trước khi đóng, tôi đã "xin ý kiến" của con. Thật may, con bé đồng ý. Dù chỉ có vài chục người bạn trên Facebook, nhưng con đã có vài lần phải rùng mình khi thấy những hình ảnh tàn bạo.
"Bùa mê thuốc lú ở đâu?"
Em tôi, một nữ trưởng phòng truyền thông của một ngân hàng lớn đã phải hét lên khi nhìn thấy hình ảnh khủng khiếp của vụ chặt đầu ở Vĩnh Phúc được đăng nguyên trạng trên Facebook.
Nỗi ám ảnh của cô được mô tả là "kinh khủng khiếp". Cô càng thấy quyết định không cho con nhỏ của mình chơi Facebook thật sáng suốt.
Sau vụ án Minh Béo và những vụ tố ấu dâm, phong trào cảnh giác với ấu dâm đã đẩy cao đến độ khiến nhà văn Hoàng Anh Tú thấy "sởn da gà". Thậm chí họ kêu gọi những bé gái cũng phải cảnh giác với bố đẻ, ông nội, ông ngoại không nên âu yếm cháu.
Một người căm giận và lên tiếng rất nhiều chống ấu dâm như Tú cũng phải buồn bã trước cao trào mất kiểm soát này.
Anh bảo, ngay cả những người thân yêu nhất mà con trẻ vẫn phải cảnh giác, thì chúng ta sẽ sống ra sao trong một xã hội vô cảm, nghi kị và sợ hãi?
Điều lo sợ ấy đã đến, rất hiện thực, khi liên tiếp xảy ra hai vụ đốt rụi xe Fortuner và đánh hội đồng hai người đàn bà bán tăm nghèo rớt và nặng gánh hoàn cảnh.
Những người dân quê tham gia vụ đốt oan, đánh oan ở Hải Dương, Sóc Sơn, vốn không tiếp xúc với mạng xã hội quá nhiều, nhưng cũng đã đủ "nhiễm độc" mạng xã hội và thông tin xấu từ truyền thông.
Gửi cho nhau những bức ảnh tím tái của hai người đàn bà, một nhóm từ thiện mà chúng tôi hay tham gia, cảnh báo nhau: "Bây giờ, đi làm từ thiện, đừng có dừng xe dọc đường để cho bọn trẻ nghèo gói kẹo, túi bánh. Rất có thể người không toàn mạng và xe không toàn vẹn".
Những gói kẹo đó không có bùa mê thuốc lú. Bùa mê thuốc lú ở trong đầu những con người nghi kị, bị tiêm nhiễm và dẫn dắt bởi vô số hoang tin, tin xấu mỗi ngày họ tiếp xúc trên Facebook.
Võ sư Đoàn Bảo Châu đã phải thốt lên cay đắng, khi việc thách đấu với tinh thần giao lưu và thượng võ của mình, bị nhiều người nhục mạ không thương tiếc:
"Từ khi mở lời giao đấu, có biết bao thanh niên thách đấu và nhục mạ tôi, họ chê tôi võ kém, họ gọi tôi là "thằng già". Tất nhiên là tôi không trả lời bởi như đã nói, giao lưu võ thuật cần sự đồng đẳng về văn hoá và hơn nữa tôi không thể dạy họ những bài học về võ, tự thái độ và cách sống của họ sẽ mang đến những bài học cần thiết của cuộc đời.
Nhưng cảm giác buồn là có, bởi cái môi trường chúng ta đang sống quả là xấu xí. Tâm lý bầy đàn, tấn công người khác bằng lời lẽ hạ tiện, bẩn thỉu.
Những sự việc đau lòng đánh hai người phụ nữ bán tăm vì nghi họ bắt cóc trẻ em, đốt xe ô tô của người buôn gỗ vì nghi họ dùng thôi miên cho chúng ta thấy rằng, sự bạo lực trên thế giới ảo hoàn toàn có thể biến thành bạo lực trên đường phố và những góc làng ở nông thôn. Và như vậy thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân oan uổng".
Truyện tiếu lâm ở Việt Nam và kỷ lục lập ở Mỹ
Những ngày này, một câu chuyện cười được chia sẻ nhiều, đó là những người đi bắt con cóc về làm ruốc, làm thuốc, có thể mất mạng nếu trả lời trung thực: Tôi đang đi "bắt cóc".
Chuyện cười có thể biến thành hậu quả thật khi mà đồng loại hành xử bầy đàn trước khi dùng lý trí và lòng trắc ẩn.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một kỷ lục Việt Nam vừa được xác lập bên... Mỹ, đó là năm thứ 5 liên tiếp, người Việt Nam lọt top 10 nước có dân mua nhà nhiều nhất ở Mỹ.
Gần 1 năm qua, người Việt chi 3,06 tỉ đô la cho mua nhà ở đất nước cách nửa vòng trái đất.
Trong rất nhiều người "thiên di" ấy, chắc chắn có những người không muốn tiếp tục đối mặt với mảng tối của mạng xã hội lẫn cuộc sống ở quê nhà. Những câu chuyện người với người vô cảm, sẽ càng kéo họ xa hơn nơi mà tận sâu thẳm, ai cũng muốn quay về.
Khi công an triệu tập những kẻ tung hoang tin trẻ em bị bắt cóc, máy bay rơi... để câu like cho các trang bán hàng qua mạng, rất nhiều người đã mừng. Những kẻ bán linh hồn và lương tâm trước khi bán hàng, cần phải bị trừng trị.
Nhưng biết bao giờ mới triệu tập hết vô số những kẻ tung tin giả, tin xuyên tạc bôi nhọ, vu khống cá nhân, doanh nghiệp?
"Bức xúc không làm ta vô can", ý kiến của nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang, còn đúng với rất nhiều người căm ghét tin giả, tin xấu nhưng lại "hồn nhiên" giúp lan tỏa những tin ấy khi chia sẻ, like mà chưa hề cân nhắc, suy nghĩ.
Đừng đào những chiếc hố cho chính mình
Cách đây ít lâu, chứng kiến đòn dư luận tập thể ở trên mạng, một hot Facebooker đã thốt lên: "Tất cả chúng ta đều là nạn nhân dự bị của Facebook".
Bạn tôi, một TS về thần kinh bảo nhận định ấy rất đúng: "Người tốt đến mấy, nổi tiếng đến mấy, cống hiến đến mấy, hiền lành đến mấy, chỉ một phút sơ sảy gì đó, cũng có thể thành vật hiến tế trên giàn thiêu bàn phím của những kẻ thiếu suy nghĩ, ưa chửi rủa".
Mấy hôm trước, hàng loạt nữ sinh ở Đồng Nai đã gửi đơn kêu cứu lên công an vì tự nhiên thấy hình ảnh của mình được đăng chào hàng trên trang chuyên về mại dâm, gái gọi. Chúng không tha hình ảnh của những phụ nữ đã có chồng.
Những ông bố bà mẹ sẽ thấy thế nào khi hình ảnh con gái yêu của mình một ngày nào xuất hiện trên đó?
Khi lập Facebook cho con, tôi chỉ nghĩ là có một nơi để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất. Nhưng bây giờ, những khoảnh khắc ấy đã bị xâm lược bằng rất nhiều thông tin đen tối.
Mới đây, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg đã khoe tấm ảnh cho cô con gái 2 tháng tuổi tập bơi. Một người như Mark hẳn sẽ muốn con mình tự bơi được rất sớm trong bể bơi và trong cả cuộc đời. Tấm ảnh nhận được hàng triệu like tán thưởng.
Mark Zuckerberg khoe tấm ảnh cho con gái tập bơi nhận được sự tán thưởng của cư dân mạng.
Tôi cũng cho con học bơi từ rất sớm, nhưng ở "bể bơi Facebook" thì đành ngậm ngùi dừng lại vì nó có quá nhiều thứ bị nhiễm độc.
Chứng kiến màn đốt ô tô ở Hải Dương, một nhà báo đã thề sẽ block tất cả những ai post lên tường anh những tin đồn. Số ít khác chọn share nhiều tin tốt lành trong cuộc sống. Một bác sĩ quyết cai nghiện Facebook cho mình và cho con. Một nữ nhà thơ tự dặn mình cố tránh khẩu nghiệp xấu khi viết, comment...
Thời của mạng xã hội, mỗi cái like, comment, status có thể mang sức mạnh của nhiều ngàn nhát cuốc.
Khi cuốc bừa, cuốc ẩu, cuốc bầy đàn...,chính chúng ta đang vô tình (hoặc cố ý) đào những chiếc huyệt tai họa, dần đẩy mình từ "nạn nhân dự bị" thành "nạn nhân chính thức của Facebook" lúc nào không biết.