Bức ảnh Michael Fugnit chụp chiếc máy bay được cho là RQ-180 trên bầu trời Philippines hôm 2/9 (Ảnh: Forbes).
Theo trang web Mỹ Forbes ngày 7/9, gần đây đã xuất hiện một bức ảnh cho thấy một máy bay không người lái tàng hình bí ẩn RQ-180 của Không quân Mỹ đang bay qua Philippines.
Qua phân tích bức ảnh này, RQ-180 với bố cục cánh dơi là một máy bay do thám không người lái tàng hình không mang vũ khí. Chiếc máy bay này được cho là đang bay từ đảo Guam đến vùng lân cận Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ.
Michael Fugnit, người tự gọi mình là "Nhà quan sát hàng không", đã chụp được ảnh chiếc máy bay này ở Sorogon trên đảo Luzon phía nam Manila. Bức ảnh của ông nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy hình ảnh đang bay theo quỹ đạo của một chiếc máy bay có kiểu cánh dơi.
Qua xem xét, đánh giá về hình dạng và quỹ đạo bay của máy bay, nó rất giống với hình dạng và quỹ đạo bay của chiếc máy bay do một nhà quan sát hàng không khác là Rob Kolinski chụp vào tháng 10 năm ngoái ở gần Căn cứ Không quân Edwards ở California. Chúng cũng phù hợp với mô tả liên quan đến loại máy bay không người lái RQ-180.
Bức ảnh chụp chiếc RQ-180 tại gần căn cứ không quân Edward ở bang California tháng 9/2020 (Ảnh: forbes).
Báo Anh Daily Telegraph dẫn ý kiến chuyên gia khẳng định, căn cứ các đặc điểm của chiếc máy bay trong ảnh thì đây chính là một chiếc máy bay không người lái tàng hình tuyệt mật RQ-180 của Mỹ.
Năm 2013, tạp chí Aviation Week của Mỹ lần đầu tiên đưa tin về một loại máy bay không người lái mang tên RQ-180, sản phẩm do công ty Northrop Grumman phát triển, có thể đáp ứng nhu cầu trinh sát đường không tầm xa và xuyên thấu của Không quân Mỹ trong vùng trời đối phương có hệ thống phòng không dày đặc.
Trang The Drive hồi tháng 4 năm nay đưa tin rằng RQ-180 có tính năng có một không hai và có thể trở thành chiếc máy bay quan trọng nhất trong quá trình phát triển máy bay quân sự của Mỹ. Wikipedia cho biết các nhân viên tại Căn cứ Không quân Edwards đặt biệt danh cho RQ-180 là "Big White Bat" và "Shikaka".
Hình ảnh phỏng đoán về RQ-180 (Ảnh: thedrive).
Mặc dù quân đội Mỹ có thể sử dụng vệ tinh để trinh sát, nhưng quỹ đạo của vệ tinh là có thể dự đoán được và không linh hoạt. Nếu sử dụng các máy bay không người lái tàng hình như RQ-4 Global Hawk cho các hoạt động do thám thì cũng dễ bị tấn công bằng tên lửa phòng không. Điển hình là Iran đã bắn hạ một chiếc RQ-4 Global Hawk vào năm 2019.
Không quân Mỹ còn có một loại máy bay không người lái tàng hình khác là RQ-170 Sentinel do Lockheed Martin sản xuất. Tuy nhiên, RQ-170 Sentinel có kích thước tương đối nhỏ, sải cánh chỉ 20 mét nên có trần bay hạn chế và hành trình cũng không đủ xa. Ngoài ra, RQ-170 cũng đã bị tổn thất, vào tháng 12 năm 2011, một chiếc RQ-170 đã bị rơi tại biên giới giữa Iran và Afghanistan. Quân đội Iran đã nhanh chóng thu thập xác của chiếc máy bay và sớm sản xuất được một bản sao của loại máy bay không người lái tương tự.
Hình ảnh giả tưởng UAV RQ-180 đang hoạt động (Ảnh: thedrive).
Máy bay không người lái RQ-180 đã làm được điều mà các vệ tinh do thám, các loại máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk và RQ-170 Sentinel không thể làm được.
Theo ước tính, RQ-180 có sải cánh khoảng 40m, trong thời gian ngắn nó có thể bay qua tuyến phòng ngự của đối phương, cự ly bay có thể lên tới hàng nghìn km. Máy bay này cũng có thể được coi là một thiết bị "tăng cấp số nhân" về hiệu quả chiến đấu của Không quân Mỹ.
Theo Forrbes ngày 7/9, Không quân Mỹ hiện có 20 chiếc B-2 và sẽ mua tới 149 chiếc máy bay ném bom tàng hình kiểu mới B-21. Mặc dù về lý thuyết, các máy bay ném bom tàng hình này có thể tấn công các mục tiêu ở tung thâm của Trung Quốc, nhưng các phi công cần biết mục tiêu ở đâu.
Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi lực lượng mặt đất, tàu chiến, bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu của đối phương liên tục di chuyển và thay đổi cách triển khai. RQ-180 có thể theo dõi lực lượng cơ động Trung Quốc để hướng dẫn B-2 và B-21 tấn công.
Trong nhiều năm, Không quân Mỹ đã xây dựng lực lượng máy bay không người lái tàng hình của mình ở Thái Bình Dương. Theo một báo cáo của Không quân Mỹ, họ đã bắt đầu triển khai các máy bay không người lái RQ-170 Sentinel ở Guam. Ngay từ đầu năm 2009, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Không quân và Hải quân Mỹ cũng thường cất cánh từ Guam để thực hiện các nhiệm vụ.
Vào ngày 1 tháng 9 năm ngoái, một bài báo đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest đã viết: "Chúc may mắn nhé, Trung Quốc! Máy bay không người lái RQ-180 của Không quân Mỹ đang bay tới châu Á", tiết lộ rằng một số máy bay RQ-180 hiện tại được triển khai tại Căn cứ Anderson trên đảo ở Guam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.
Theo thông tin được trung tâm tư vấn mang tên Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc công bố, từ ngày 4/9 đến ngày 6/9, các loại máy bay tuần tra và trinh sát của quân đội Mỹ đã bay vào biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông để thực hiện các hoạt động, trong đó có lần vào cách lãnh hải của Trung Quốc ở bờ biển Quảng Đông chưa đầy 20 hải lý.
Tới đây, các UAV do thám RQ-4 Global Hawk sẽ được thay thế bằng loại RQ-180 (Ảnh; thedrive).
Hiện vẫn chưa rõ Không quân Mỹ có bao nhiêu chiếc RQ-180 trong biên chế, họ sẽ tiếp tục mua bao nhiêu chiếc và giá của mỗi chiếc là bao nhiêu. Có nguồn tin cho biết tính đến năm 2019, có tổng cộng 7 chiếc RQ-180 đang phục vụ trong quân đội Mỹ.
Nếu RQ-180 thay thế RQ-4 trên cơ sở một đối một, thì Không quân Mỹ cuối cùng có thể mua 24 hoặc 36 chiếc. Nếu giá thành mỗi chiếc máy bay do thám tàng hình này tương đương với B-21, thì giá mỗi chiếc có thể tới 500 triệu USD.
Theo Trung tướng David Nahom, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, vào mùa hè này Không quân Mỹ đã đảm bảo với Quốc hội rằng họ có thể cho máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk nghỉ hưu một cách an toàn vì đã có trang bị mới.
Tướng Nahom nói rằng trang bị mới sẽ được thay thế, đưa vào sử dụng toàn bộ trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2029. Nhưng giới quan sát cho rằng, với bức ảnh chụp nó xuất hiện ở Philippines, cho thấy hiện đã có một số lượng nhỏ RQ-180 đang hoạt động.