Lời thừa nhận hiếm hoi của Nga về kinh tế: "Tình hình không dễ dàng, thậm chí là khó khăn"

Hồng Anh |

Theo ông Dmitry Peskov, tình hình tuy "không dễ dàng" nhưng vẫn có mặt tích cực đối với Nga và các nước thân thiện với Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nga thừa nhận "tình hình không dễ dàng"

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn trung ương Nga TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận rằng Nga đang phải đối mặt với khó khăn do các biện pháp nhằm cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng những nỗ lực này sẽ không có tác dụng vì chúng chỉ càng đẩy Nga tới gần các quốc gia "thân thiện" hơn.

"Tình hình không dễ dàng, thậm chí có thể nói là khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến kinh tế chưa từng có do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva", ông Peskov chia sẻ với TASS.

"Tuy nhiên, vẫn có mặt tích cực. Tình hình hiện tại đang thúc đẩy chúng tôi và các quốc gia thân thiện với Nga tìm kiếm những cách thức tương tác mới, những cơ chế tương tác mới và cơ chế tài chính mới

Vai trò của các đồng tiền dự trữ như đồng USD hay Euro chắc chắn sẽ suy yếu khi chúng mất đi uy tín đối với nhiều quốc gia. [...] Quá trình chuyển dịch sang 'bỏ trứng vào nhiều giỏ' đã và đang diễn ra trên toàn thế giới", người phát ngôn Điện Kremlin cho hay.

Lời thừa nhận hiếm hoi của Nga về kinh tế: Tình hình không dễ dàng, thậm chí là khó khăn - Ảnh 1.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Đây là lần hiếm hoi Nga thừa nhận nền kinh tế nước này gặp khó do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, sau khi nhiều lần tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt này "không hiệu quả".

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tuần trước dự báo rằng nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 15% trong năm nay và 3% trong năm tới. Sản xuất trong các ngành từ hàng không đến ô tô đều sụt giảm, và chỉ riêng trong tháng 5, số lượng ô tô bán ra trên toàn nước Nga đã giảm 83% so với tháng 4.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu dầu và khí đốt vẫn đem lại doanh thu lớn cho Nga khi giá nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu, và đồng rúp của Nga đã tăng trở lại.

Trả lời TASS, ông Peskov khẳng định rằng những lệnh trừng phạt sẽ tác động ngược trở lại đối với phương Tây "như một chiếc boomerang": "Bây giờ chúng ta đã chứng kiến những lệnh trừng phạt và hạn chế chống Nga đang ảnh hưởng đến giá năng lượng, thực phẩm, v.v..."

"Việc cố gắng loại Nga khỏi trường quốc tế là một điều hoàn toàn vô ích và về cơ bản là không thể", ông Peskov nói.

Ông Mevedev nói về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Trong bài đăng trên Telegram hôm 14/6 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng: Châu Âu đang chìm trong khủng hoảng năng lượng và tình hình sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn khi phương Tây tiếp tục nỗ lực cấm vận nhập khẩu năng lượng của Nga.

"Tất nhiên, các đối thủ của Nga sẽ tiếp tục làm mọi cách để gây ra thiệt hại tối đa cho ngành năng lượng của chúng ta. Ngày hôm nay, họ đang nếm trải cuộc khủng hoảng năng lượng - và phạm vi của cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ càng tăng lên", ông Medvedev viết trong bài đăng nói trên.

Lời thừa nhận hiếm hoi của Nga về kinh tế: Tình hình không dễ dàng, thậm chí là khó khăn - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev

Vị Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng lưu ý thêm rằng mong muốn từ bỏ năng lượng Nga của các quốc gia "không thân thiện" đã có tác động "cực kỳ tiêu cực" đối với các công dân EU.

Dữ liệu mới nhất từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy lạm phát hàng năm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ước tính ở mức 8,1% trong tháng 5, cao hơn so với mức 7,4% trong tháng 4.

Theo ông Medvedev, chừng nào phương Tây còn tiếp tục trừng phạt Nga, thì tình hình sẽ còn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Nga cắt giảm mạnh khí đốt qua đường ống Nord Stream sang EU

Theo thông báo hôm 14/6 của tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom, nhà xuất khẩu này đã cắt giảm lượng khí đốt giao qua đường ống Nord Stream sang EU. Nguyên nhân là do công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt từ trạm Portovaya ở Vyborg, gần St.Petersburg, trở lại các trạm nén khí đúng hạn.

Theo đó, Gazprom thông báo trên Telegram: "Nguồn cung khí đốt cho đường ống dẫn khí Nord Stream hiện có thể được cung cấp với số lượng lên đến 100 triệu mét khối/ngày".

So với khối lượng giao hàng theo kế hoạch hàng ngày của Gazprom là 167 triệu mét khối, thì lượng khí đốt được giao sang EU sẽ bị cắt giảm 40%.

Ngoài vấn đề các thiết bị sửa chữa không được đưa trở lại trạm nén khí đúng hạn, có những vấn đề khác nảy sinh khi các đơn vị bơm được kết nối với đường ống bởi động cơ trục trặc, khiến cơ quan quản lý Rostekhnadzor phát lệnh cấm tạm thời sử dụng các đơn vị này.

Do đó, Gazprom cho biết hiện tại chỉ có 3 thiết bị nén khí có thể được sử dụng tại Portovaya CS.

Phía Siemens hiện vẫn chưa đưa ra chưa bình luận về thông tin mà Gazprom công bố.

Lời thừa nhận hiếm hoi của Nga về kinh tế: Tình hình không dễ dàng, thậm chí là khó khăn - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Đồng rúp tiếp tục tăng mạnh

Đài RT (Nga) đưa tin, hôm 14/6, đồng rúp đã tiếp tục tăng mạnh trên Sàn giao dịch Moscow - thiết lập mức tăng mới so với đồng USD và đồng Euro, trong bối cảnh ngân hàng trung ương của Nga đã khôi phục lãi suất cơ bản về mức trước xung đột Nga-Ukraine.

Theo đó, đồng rúp của Nga đã đã nhanh chóng chạm mốc 55,63 rúp/USD trong ngày 14/6 - đây là tỷ giá hối đoái mạnh nhất của đồng rúp so với đồng tiền của Mỹ kể từ tháng 2/2018.

Đồng rúp cũng được giao dịch dưới mức 58 so với đồng euro - gần bằng mức cao nhất trong vòng 7 năm mà đồng tiền này đã đạt được trong tháng 5.

Các nhà kinh tế cho biết đồng rúp vẫn được hỗ trợ từ các biện pháp kiểm soát vốn và biện pháp tài chính mạnh mẽ của Nga, cùng với đó là giá dầu tăng và việc bắt đầu kỳ tính thuế tháng 6 đối với các nhà xuất khẩu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại