Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhóm G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới) do Mỹ đứng đầu đã không ngừng gây sức ép và trừng phạt Nga. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin đã đưa ra đề xuất thiết lập một cơ chế mới cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số nước khác.
Theo trang tin Hoàn cầu của Trung Quốc, hiện tại, cơ chế tham vấn chính sách của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu bị chi phối bởi hai nhóm. Một là nhóm G7 do Mỹ đứng đầu, nhóm còn lại là BRICS (nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Có dư luận ở phương Tây cho rằng, với sự phát triển và mở rộng của các nước BRICS, cơ chế này sẽ vượt qua G7 trong tương lai. Tuy nhiên, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Volodin lần này đã không đề cập đến cơ chế BRICS mà đưa ra một kế hoạch hoàn toàn mới để thành lập một "nhóm G8 mới".
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin. Ảnh: Baijiahao
Cơ chế mới do Nga đề xuất gồm những quốc gia nào?
Kênh truyền hình Russia Today ngày 11/6 đưa tin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã đưa ra một đề xuất trên tài khoản Telegram cá nhân. Ông Volodin cho rằng, sự phá vỡ các mối quan hệ kinh tế hiện có của Washington và các đồng minh đã tạo điều kiện cho sự ra đời của "nhóm G8 mới".
Cái tên G8 không hề xa lạ, đặc biệt là đối với nước Nga. Tiền thân của nhóm G7 là nhóm G8, ngoài 7 quốc gia hiện tại (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) còn có Nga.
Nhưng Nga đã bị các nước G7 loại khỏi nhóm vào năm 2014 do vấn đề Ukraine.
G7 (nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới) bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Ảnh: Baijiahao
Tám năm sau, vấn đề Ukraine lại trở nên gay gắt và cục diện quốc tế đã có những thay đổi to lớn, trong bối cảnh như vậy, liệu "nhóm G8 mới" có xuất hiện như nhu cầu của thời đại?
Theo quan điểm của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, "nhóm G8 mới" sẽ bao gồm 8 quốc gia: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm chung của các quốc gia này là đều thuộc phe chống cấm vận.
Có thể thấy, cơ chế mới này bao trùm tất cả các thành viên BRICS, ngoại trừ Nam Phi.
Trong số đó có rất nhiều đồng minh hoặc gần như là đồng minh của Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO của Mỹ; Ấn Độ tuy không phải đồng mình của Mỹ nhưng có quan hệ tốt hơn đồng minh; còn Mexico là nước láng giềng của Mỹ.
Ngoài ra, có một điểm rất quan trọng, hầu như cả 8 quốc gia này đều có dân số trên 100 triệu người. Dân số của Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới hơn 1 tỷ người. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia có dân số ít nhất – cũng đạt gần 100 triệu người. Tổng cộng lại, dân số của 8 quốc gia này là vào khoảng 3,8 tỷ người, chiếm một nửa tổng dân số thế giới.
Ông Volodin cho biết, dưới sức ép của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, các nền kinh tế G7 sẽ tiếp tục khủng hoảng. Trong quý đầu tiên của năm nay, GDP của Mỹ đã giảm 1,5%, và lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, đạt mức 8,6%. Trong khi đó, tám quốc gia không hưởng ứng lệnh cấm vận có GDP tính theo sức mua tương đương cao hơn 24,4% so với G7.
Do đó, theo ông Volodin, nếu "nhóm G8 mới" được thành lập, nó sẽ mang tính đại diện cho thế giới hơn là G7.
"Nhóm G8 mới" có vẻ hứa hẹn
Đối với đề xuất của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Volodin, Dmitry Belik - thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga - dự đoán rằng, theo thời gian, "nhóm G8 mới" này sẽ mở rộng đáng kể.
Ông Belik lưu ý rằng, bất chấp áp lực trừng phạt nhằm vào Nga, "khoảng 2/3 dân số thế giới đang sống ở các nước thân Nga hoặc trung lập", nơi mà các nhà lãnh đạo sẽ không khuất phục trước những tuyên truyền từ phương Tây. Trong bối cảnh đó, Nga sẽ là đối tác quan trọng nhất trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới.
Điều đáng nói là sau khi ông Volodin đưa ra đề xuất trên, thế giới bên ngoài nhìn chung cho rằng cơ chế mới là để chống lại nhóm G7. Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị người Nga Pavel Feldman cho rằng, sự đối đầu này là không có ý nghĩa, vì cơ chế mới này có vẻ hứa hẹn hơn so với nhóm G7 "đang dần mất đi sức mạnh".
Ông Feldman tin rằng, tám quốc gia được Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Volodin liệt kê sẽ đoàn kết với nhau vì tất cả đều từ chối một trật tự thế giới lấy Mỹ làm trung tâm, và cam kết hướng tới một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Đánh giá từ tiềm năng tổng hợp của các quốc gia này, họ có thể thành lập một liên minh trong tương lai, điều này cũng sẽ thu hút các quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tham gia.
Trên thực tế, khi nhóm G7 còn là G8, Anh và Pháp vào năm 2008 đã từng chủ trương rằng, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi nên tham gia G8 để tạo thành nhóm G13. Các nước này về cơ bản có thể phản ánh sức mạnh quốc gia toàn cầu.
Vào thời điểm đó, sự hợp tác giữa các nước BRICS mới bắt đầu, tương đương với G7 cộng thêm các thành viên BRICS và Mexico để tạo thành nhóm G13.
Tuy nhiên, cuối cùng thì G13 đã không xuất hiện và một năm sau (2009), các nhà lãnh đạo các nước thành viên BRICS đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên.