Giải vô địch ĐNÁ 2018 dành cho 2 lứa tuổi U16 và U19, Việt Nam đặt nhiều kì vọng về chức vô địch. Ấy thế nhưng đội quân của HLV Vũ Hồng Việt vốn là ĐKVĐ, và của ông Hoàng Anh Tuấn đều thất bại ngay từ vòng bảng.
Đến VCK U16 châu Á, U16 Việt Nam tiếp tục đặt kì vọng cao, lọt vào Bán kết để có vé dự VCK U17 World Cup 2019. Nhưng rốt cục, chúng ta tiếp tục bị loại, và thua trận cuối tới 0-5 trước Iran.
Phản cảm hơn, sau thất bại của U16 Việt Nam lộ ra thông tin có cầu thủ đã phản ứng lại BHL, thậm chí đe dọa "xử" một trợ lý HLV vì bị mắng mỏ.
Đến đây, thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam thấm thía nỗi lo của HLV Park Hang-seo, về vấn đề mà ông cho rằng lớn nhất của nền túc cầu ở Dải đất hình chữ S: Khâu đào tạo trẻ. Theo ông Park, mục tiêu lọt vào VCK World Cup của Việt Nam có đạt được hay không, tất cả cũng phụ thuộc vào khâu này.
Và từ sự cố của U16 Việt Nam, chúng ta hiểu rằng, đào tạo trẻ không đơn giản, ngoài vấn đề chuyên môn vốn đã rất khó khăn, thì dạy cầu thủ cách cư xử đúng mực, cách làm một con người tử tế là vô cùng quan trọng.
Nói về vấn nạn bạo lực của V.League rất nhiều năm qua, các chuyên gia chẳng phải vẫn thường nhận định lỗi thuộc về khâu đào tạo trẻ đã thiếu đi các bài học bên lề sân cỏ đó sao.
Đến đây lại phải khâm phục một góc nhìn của bầu Đức ở khâu đào tạo trẻ, dù ông cũng có những bất cập.
Khi bắt đầu Học viện HAGL với lứa đầu tiên của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, bầu Đức đã cam kết sẽ dạy học văn hóa đàng hoàng cho tất cả các cầu thủ, và cho tất cả đi học đại học.
Ông cũng rất mạnh mẽ trong việc uốn nắn văn hóa cầu thủ trên sân. Từng có cầu thủ U19 Việt Nam "đá láo" bị cầu thủ trừng phạt thẳng tay, hay mới đây Tăng Tiến phạm lỗi với Duy Mạnh, bị tỷ phú phố Núi treo giò hết lượt đi V.League 2018.
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa thánh thiện hóa HAGL. Bóng đá là trò chơi đối kháng, thường xuyên va chạm và cũng cần tiểu xảo. Cầu thủ HAGL từ những trang giấy trắng, để tồn tại cũng dần biết cách thi đấu khôn ngoan hơn.
Đau đầu sau 2 thất bại ở ĐNÁ và châu Á chưa đủ, HLV Vũ Hồng Việt còn phải phiền lòng về đạo đức của học trò.
Nhưng khi cầu thủ được dạy bảo từ gốc về văn hóa, lễ nghĩa, thì bước vào chốn chuyên nghiệp đầy rắc rối, hiểm ác hẳn nhiên cũng biết những giới hạn của một cầu thủ, một con người.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ bóng đá trẻ, nhưng tốc độ không phải là yếu tố quan trọng nhất mà phải là chất lượng, từ chuyên môn tới văn hóa, đạo đức. Hy vọng sau sự cố trò dọa xử thầy ở U16 Việt Nam, chúng ta sẽ không còn gặp những vụ việc phản cảm nào như vậy nữa.
Theo HLV Vũ Hồng Việt, vụ lùm xùm trò dọa xử thầy ở U16 Việt Nam sẽ được đưa ra báo cáo với VFF vào ngày 1/10 tới.