Lôi kéo quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) vào Vành đai - Con đường, TQ khiến Nga "dè chừng"

Minh Khôi |

Trong khi Nga xem các nước Trung Á thuộc Liên Xô (cũ) nằm trong tầm ảnh hưởng, sự vươn lên của Trung Quốc như một thế lực kinh tế mới nổi đã thay đổi trật tự khu vực.

Nơi khởi đầu sáng kiến Vành đai - Con đường

Trên tuyến biên giới Trung Quốc - Kazakhstan, bao quanh bởi những ngọn núi phủ đầy tuyết, một tuyến đường cao tốc - điểm nhấn của khu vực - nối với một ga hàng hoá ở Khorgos. Tại đây, với sự xuất hiện của lượng lớn cần cẩu, các nhà xưởng và những tuyến đường sắt, một thị trấn đang mọc lên và dự kiến sẽ trở thành một trung tâm vận chuyển nội địa, và hơn cả là một điểm kết nối quan trọng của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Khorgos nằm cách tuyến duyên hải gần nhất gần 2.500km, tuy nhiên các nhà đầu tư coi đây là một "cảng khô", nơi sẽ là trạm trung chuyển cho hàng hoá bằng đường bộ. Được vận hành từ 2015 và với tốc độ tăng trưởng ổn định, nơi đây dự kiến sẽ trở thành bệ phóng cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc kết nối châu Âu và châu Á thông qua tuyến đường vận tải mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá là "dự án của thế kỷ".

Một vùng kinh tế đặc biệt ở gần đó là nơi tập trung của các nhà máy, đồng thời tiếp tục kêu gọi các khoản đầu tư trong tương lai để mở rộng. Về bên kia biên giới phía Trung Quốc, những hạng mục của dự án đã gần thành hình, với sự xuất hiện của một thành phố cũng với tên gọi Khorgos, trong đó điểm nhấn là các khối nhà cao tầng và trung tâm mua sắm. Hiện thành phố này đã có hơn 100.000 dân sinh sống kể từ khi chính thức hình thành vào năm 2014.

Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Á, đã tận dụng triệt để cơ hội hợp tác với Trung Quốc, khi tự coi mình là một phần chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời chờ đợi lợi nhuận đến từ những cơ hội kinh tế mà Bắc Kinh mang lại.

"4 hay 5 năm trước, đây là nơi đồng không mông quạnh", Nurlan Toganbayev, giám đốc Phòng Thương mại tại Cửa khẩu Khorgos, nói. "Hiện, nơi chúng ta đang đứng là một nhà ga hàng hoá, nhưng trong tương lai nơi đây sẽ phát triển với quy mô lớn hơn nhiều", ông nói.

Nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa khu vực Trung Á tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường đã đưa nơi này trở thành một điểm khởi đầu mới của thương mại toàn cầu. Vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chọn thủ đô Kazakhstan Astana, nay là Nur-Sultan, là nơi khởi đầu cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Kể từ đó, dự án đã trở thành một phần không thể tách rời của Bắc Kinh trong các chính sách đối ngoại, khi nước này đổ hàng trăm tỉ đô la dưới hình thức các khoản vay cho các nước khu vực Trung Á, qua đó đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở khu vực.

Ở đó, Kazakhstan đóng vai trò trung tâm, khi mới đây nước này đã khánh thành tuyến đường dẫn khí đốt sang Trung Quốc, cũng như kí kết thoả thuận thương mại và đầu tư trị giá 30 tỷ USD.

Điện Kremlin "dè chừng"

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực đang vấp phải thái độ dò xét từ Điện Kremlin, bất chấp mối quan hệ hữu hảo đang gia tăng nhanh chóng giữa 2 nước. Ban đầu, Moscow đã nỗ lực tìm cách củng cố vị thế và giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực thông qua những dự án năng lượng mới, hay việc tạo dựng một khu vực kinh tế mới: Liên minh kinh tế Á – Âu. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt và mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây đã kìm hãm sự phát triển của liên minh này, cũng như buộc Nga phải tìm cách duy trì một mối quan hệ thực dụng hơn với Bắc Kinh.

Vào năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập Cận Bình đã ký thảo thuận nhằm hài hoà sự hiện diện của Liên minh kinh tế Á Âu với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đây là tiền đề thúc đẩy mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước từ đó về sau.

Ở khu vực Trung Á, Kremlin đã chấp nhận thực tế về sự vượt trội trong kinh tế của Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì một lượng lớn người lao động trong khu vực này. Có thể Trung Quốc sẽ là sức mạnh kinh tế hàng đầu tại đây, nhưng Nga sẽ vẫn duy trì ảnh hưởng thông qua chính trị và kinh tế, điển hình như thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

"Hiện tại, Bắc Kinh vẫn tôn trọng thoả thuận này, nhưng câu hỏi là nó sẽ kéo dài bao lâu", ông Gabuev nói. "Nga hiểu ràng việc sớm hay muộn Trung Quốc sẽ muốn có sự ảnh hưởng trong an ninh ở Trung Á. Moscow sẽ phải xác định đâu là lằn ranh đỏ cho Bắc Kinh trong khu vực".

Không thể chối cãi, Moscow vẫn tỏ ra lo lắng về tham vọng của Trung Quốc và việc bị coi là ở vị thế yếu hơn trong mối quan hệ hai nước.

Tại Khorgos, không phải có nhiều khó khăn đang chờ đón Trung Quốc. Kazakhstan vẫn được xem là một mảnh đất hứa hẹn hơn là một dự án đã hoàn chỉnh. Bên cạnh một số nhà xưởng, vùng kinh tế đặc biệt vẫn chỉ là một hoang mạc khô cằn. Nurkent, một thị trấn gần đó là nơi ở của các công nhân và gia đình, dự kiến trong tương lai sẽ mở ra thành thành phố của 100.000 dân, nhưng đến nay vẫn chỉ có ít hơn 2.000 dân sinh sống.

Ngoài ra, nhiều người Kazakhstan cũng bày tỏ lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc, cũng như nghi ngờ ý định thực sự của Bắc Kinh đối với khu vực. Vào năm 2016, người dân Kazakhstan đã tổ chức biểu tình rầm rộ nhằm phản đối một đạo luật được chính phủ đề xuất, khi lo ngại các công ty Trung Quốc sẽ lợi dụng để mua đất và kiểm soát một phần đất nước.

"Kể cả khi các dự án của Trung Quốc được thực hiện theo đúng kế hoạch, điều đó không có nghĩa sẽ chuyển thành quyền lực mềm", Jonathan Hillman, chuyên gia tại Viện chiến lược và nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại