Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ

Diệp Anh |

Một trận mắng của người bố với mong muốn con gái tập trung hơn vào việc học không ngờ lại là nguyên nhân khiến nữ sinh 16 tuổi tìm đến thuốc chuột để kết liễu cuộc sống.

Nữ sinh 16 tuổi uống thuốc chuột tự tử vì bị bố mắng

Sự việc xảy ra tại huyện Hoa Nam, thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.

Trang báo điện tử Sina đưa tin cho hay, nạn nhân là một nữ sinh mới 16 tuổi. Anh Đổng – bố nạn nhân cho hay, gia đình anh có hai cô con gái. Cô con gái lớn năm nay 26 tuổi đã lấy chồng, cô con gái út năm nay 16 tuổi, đang học trung học.

Vợ anh vì mắc bệnh động kinh và tim mạch nên trong nhà chỉ có anh là lao động chính.

Vào chiều tối ngày 24/2 vừa qua, sau khi đi làm trở về nhà, phát hiện cô con gái nhỏ còn chưa hoàn thành bài tập đã ngồi nghịch điện thoại, anh Đổng rất tức giận, liền mắng con một trận và đốc thúc con nên dành thời gian cho việc học.

Không ngờ, vào tối đó, từ phòng của con gái, anh bất ngờ nghe thấy tiếng động giống như người bị ngã mạnh. Vợ anh vội đẩy cửa vào, thất kinh phát hiện con gái có những biểu hiện của việc trúng độc.

Người nhà bấn loạn, vội vã đưa cô bé vào bệnh viện huyện cấp cứu. Các bác sĩ kết luận, nạn nhân bị trúng độc thuốc chuột cực mạnh, mặc dù được cấp cứu gấp rút song độc dược đã ngẫm sâu vào cơ thể, gây ra tình trạng hôn mê.

Vì tình trạng nguy kịch nên nữ sinh này được chuyển lên phòng điều trị đặc biệt của bệnh viện tuyến trên.

Phóng viên báo điện tử Sina sau khi tìm hiểu thông tin được biết, tình hình của nạn nhân đã có tiến triển song vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Báo động tình trạng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới WHO, số lượng thanh thiếu niên chết vì tự tử trên phạm vi toàn thế giới gia tăng hằng năm với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Số liệu thống kê gần đây của Hội sức khỏe tâm thần Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ tự tử chiếm hơn 26% số trường hợp tử vong trong nhóm tuổi từ 15-34 tuổi.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Giáo dục Văn hóa Thể thao Khoa học và Công nghệ Nhật Bản chỉ ra rằng, một năm ở nước này có khoảng 150 học sinh tự tử.

Ở Hàn Quốc, trong 6 năm từ 2009-2014, 900 em học sinh đã không bao giờ còn có thể tiếp tục cuộc sống với người thân.

Những con số này ở Pháp, Mỹ... cũng đang có xu hướng gia tăng đáng báo động. Còn ở Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi (xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông).

Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 4/2016, một vụ tự tử bằng thuốc diệt cỏ đã gây rúng động dư luận nước ta.

Sau khi bị bố mắng chửi vì đánh nhau với bạn ở trường, một nữ sinh trung học phổ thông ở tỉnh Hà Nam đã tự đi mua và uống thuốc diệt cỏ, kết thúc cuộc đời còn rộng mở ở phía trước trong nỗi bàng hoàng, xót xa của gia đình, bè bạn.

Trên đây là những con số biết nói, báo động về tình trạng tự tử ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo báo cáo của WHO, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng này nhưng có thể thấy, nguyên nhân chính vẫn được biết đến nhiều nhất có thể kể đến vấn nạn bạo lực học đường, áp lực học hành từ nhà trường và phụ huynh dẫn đến sự trầm cảm, sự nông cạn, tâm lý bất ổn định của tuổi mới lớn...

Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Phụ huynh nên làm gì để giữ con và giúp con?

Đã từng có không ít câu chuyện đau lòng liên quan đến vấn nạn tự tử ở người trẻ tuổi xảy ra ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Và mỗi câu chuyện đều có nguyên nhân cụ thể.

Trong câu chuyện của gia đình anh Đổng, có thể thấy nguyên nhân dẫn đến bi kịch xuất phát từ việc chiếc điện thoại, sự nóng giận của người bố và tâm lý bộc phát, thiếu chín chắn của cô con gái.

Có một thực tế không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay, đó là sự can thiệp quá sâu của internet và điện thoại thông minh đến cuộc sống hằng ngày của mỗi con người.

Internet, các mạng xã hội và sự tiếp tay của điện thoại thông minh đã khiến nhiều bạn trẻ trở nên sống ảo, suy nghĩ thiếu thực tế về cuộc sống.

Không chỉ chiếm mất nhiều thời gian, internet, mạng xã hội và nhiều hoạt động trên mạng đã khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy mụ mị, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.

Đôi khi chỉ vì những lý do đơn giản như bố mẹ phàn nàn cũng đã khiến nhiều người trẻ tuổi chán nản tìm đến cách giải quyết tiêu cực, trường hợp của nữ sinh nói trên là một ví dụ điển hình.

Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ - Ảnh 4.

Nghiện điện thoại thông minh là "chứng bệnh" đang được báo động trong giới trẻ. Ảnh minh họa.

Thứ nữa, sự nóng nảy của các bậc phụ huynh cũng là một yếu tố làm cho việc dạy dỗ, bảo ban con trẻ nói chung trở nên mất tác dụng, nhất là khi con trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm lý...

Nên chăng, các bậc phụ huynh hãy cố gắng kìm nén cảm xúc, tâm trạng trong lúc dạy bảo con, vừa tránh được những va chạm tiêu cực, vừa là cách giúp cho thông điệp gửi đi được con cái dễ dàng tiếp nhận hơn.

Việc dạy bảo cần được duy trì đều từ khi con còn thơ dại cho đến lúc lớn, không nên để đến khi chuyện không hay xảy ra mới tá hỏa mắng mỏ, chỉ trích con.

Ngay cả việc cung cấp các thiết bị như máy tính, điện thoại cho con phục vụ nhu cầu học tập, liên lạc cũng cần có, một giới hạn cần thiết, có thể được hình thành dựa trên thỏa thuận giữa bố mẹ và con cái để đảm bảo việc sử dụng những thứ này đúng mục đích.

Hãy làm gương và đồng hành với con như một người bạn, đó là cách tốt nhất để hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, kịp thời giúp con tháo gỡ mọi vướng mắc vượt quá khả năng giải quyết của một đứa trẻ.

Lọ thuốc chuột và sự sống chết của nữ sinh 16 tuổi: Con trẻ rất cần sự đồng hành của bố mẹ - Ảnh 5.

Đồng hành với con là cách để giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại