Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp báo hồi tháng 10-2019. Ảnh: Keystone / Alessandro Della Valle
Thỏa thuận về nhận trở lại công dân nói trên được hai nước ký năm 2015 và vừa hết hạn hôm 7-12. Điều đáng nói là nhà chức trách Thụy Sĩ không hề nói gì đến thỏa thuận này và chỉ mới chính thức thừa nhận sự tồn tại của nó vào tháng 8 qua.
Theo thỏa thuận, các "chuyên gia" từ Bộ Công an Trung Quốc phải được mời đến Thụy Sĩ trong các chuyến công tác kéo dài 2 tuần. Một khi lời mời được đưa ra, Bắc Kinh có thể lựa chọn nhân sự mà không cần phía Thụy Sĩ thông qua.
Ngoài ra, Thụy Sĩ cam kết giữ bí mật danh tính những người này và họ có thể nhập cảnh bằng thị thực du lịch. Theo một số nhà hoạt động, điều này cho phép chuyên gia Trung Quốc có thể đi lại giữa các nước trong khu vực Schengen.
Báo cáo của các chuyên gia từ Bộ Công an Trung Quốc dành cho giới chức nước chủ nhà cũng được giữ bí mật. Chưa hết, thỏa thuận không có điều khoản nào liên quan đến việc giám sát những hoạt động "khác với những gì đã được nhất trí" của chuyên gia Bộ Công an Trung Quốc tại Thụy Sĩ.
Điều khác thường là Thụy Sĩ đã ký kết hơn 50 thỏa thuận tương tự với các nước khác nhưng không có thỏa thuận nào bị giữ kín như với Trung Quốc. Ngay cả quốc hội Thụy Sĩ cũng không biết gì về nó.
Sau khi thông tin về thỏa thuận được giới truyền thông tiết lộ hồi tháng 8, Bộ Di trú Thụy Sĩ biện hộ rằng động thái này là cần thiết trong nỗ lực đối phó tình trạng di cư trái phép. Bộ này cũng khẳng định luôn kiểm soát thông tin trao cho phía Trung Quốc.
Dù vậy, lời lẽ này không đủ xoa dịu làn sóng chỉ trích trong nước. Ủy ban đối ngoại quốc hội Thụy Sĩ đã yêu cầu chính phủ phải tham vấn với họ nếu muốn gia hạn thỏa thuận.
Trong khi đó, bà Margaret Lewis, chuyên gia luật tại Trường ĐH Seton Halt (Mỹ) nhận định với tờ The Guardian rằng thỏa thuận trên hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc và không hề giống một thỏa thuận về chia sẻ thông tin di trú thông thường.