Lỗ hổng chết người mà các doanh nghiệp không thể kiện thắng chồng Thu Minh?

H.Minh |

Giao dịch vì niềm tin và uy tín với Thu Minh - người không liên quan trực tiếp tới các hợp đồng - là điểm yếu chết người của các doanh nghiệp gỗ trong thỏa thuận với ông Otto De Jager.

Những điều khoản lạ

Chồng ca sĩ Thu Minh, ông Otto De Jager, là Tổng giám đốc của công ty Global Home - một nhà xuất nhập khẩu gỗ vốn có trụ sở đóng tại nước ngoài. Đây cũng là nhân vật trung tâm của các vụ kiện qua tòa án, vụ tố cáo trên mạng xã hội xôn xao trong suốt một tháng qua với ít nhất 5 nhà cung cấp gỗ nguyên liệu tại Việt Nam.

Theo thừa nhận của các doanh nghiệp Việt, hợp đồng cung ứng sản phẩm gỗ cho Global Home chỉ được ký một lần (hợp đồng khung). Chi tiết các lần giao hàng sau đó (phụ lục hợp đồng) chỉ được hai bên giao dịch qua thư điện tử, dù các phụ lục này chứa các điều khoản quan trọng về số lượng và thời gian giao, nhận hàng.

Trong hợp đồng khung, tại mục tranh chấp, đơn vị được chỉ định là nơi giải quyết tranh chấp là tòa trọng tài ở Hong Kong, với pháp luật được áp dụng là luật của Anh. Như vậy, đối tác Global Home nắm lợi thế lớn hơn so với doanh nghiệp Việt do những khác biệt về áp dụng luật, nếu xảy ra sự cố khi thực hiện hợp đồng.

"Chúng tôi biết rõ những điều khoản bất cập trong hợp đồng, nhưng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ này cạnh tranh rất gay gắt, để giành được một hợp đồng lớn không hề đơn giản. Do vậy, khi đặt bút ký hợp đồng với công ty Global Home chúng tôi chỉ dựa trên uy tín là chính chứ cũng chưa tham khảo luật sự về điều khoản trên", đại diện một đơn vị tố cáo chia sẻ.

Phía đối tác Việt Nam cũng cho biết thêm là trong yêu cầu ký kết thêm một hợp đồng tiếng Việt được dịch có công chứng từ bản tiếng Anh nhưng Global Home từ chối. Điều đó khiến bản hợp đồng được dịch sang tiếng Việt lưu tại Gia Hân chỉ có tính tham khảo, không có giá trị pháp lý và không thể trở thành bằng chứng trước tòa.

Các làm ăn kiểu không "nhập gia tùy tục" này của Global Home từng bị doanh nhân Hoàng Khải phản đối trên trang cá nhân. Doanh nhân này cho rằng, người Việt vốn ngại giao tiếp với người nước ngoài, khiến "người nước ngoài sống ở Việt Nam biết được, nên rất hay bắt nạt dân mình".

Kém tiếng Anh, chấp nhận một vị thế thấp hơn trong hợp đồng thỏa thuận song phương, có phần sính ngoại là những điểm khiến doanh nghiệp Việt có phần "sợ và ngại" với đối tác nước ngoài, dễ dẫn tới tự làm khó bản thân khi xảy ra tranh chấp.

Sự tin tưởng ngây thơ

Trong lá đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ của Công ty Gia Hân, đối tác Việt Nam thừa nhận một điểm bất thường quá trình hợp tác với Global Home: ký hợp đồng vì sự tin tưởng.

"Tôi thấy một vài người làm với ông Otto nên cũng tin tưởng và làm theo" là lý do khiến Gia Hân chấp nhận lần nữa việc kết thúc sớm hợp đồng với Global Home khi những vấn đề tranh chấp bắt đầu nảy sinh và cũng là lý do phía nguyên đơn trong các vụ tố cáo này không phải là một đơn vị cá biệt.

Đại diện của Gia Hân cũng cho biết, họ hiểu những điều khoản bất cập trong hợp đồng đã ký với Global Home, nhưng vẫn "nhắm mắt đưa chân" chỉ vì những niềm tin khá mơ hồ, về một người không có liên quan trực tiếp tới hợp đồng dân sự này, là Thu Minh. "Khi hợp tác với nhau, chúng tôi nghĩ uy tín của cô ca sĩ Thu Minh cũng tốt nên chắc họ không thể làm gì sai để hạ thấp uy tín mình".

Trong khi đó, nếu xảy ra tranh chấp, Thu Minh sẽ không phải là người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan, do ông Otto De Jager ký hợp đồng dưới chức danh là CEO của một công ty, thay vì danh nghĩa cá nhân. Sự tin tưởng có phần ngây thơ của các doanh nghiệp Việt dẫn tới khoản tiền mắc kẹt trong vụ tố cáo này riêng tại Gia Hân lên tới 20 tỷ đồng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại