Người đàn ông 71 tuổi có quan điểm điều hành khá cứng rắn khi cho biết không bao giờ sa thải nhân viên vì họ thiếu tài năng, nhưng cũng không muốn cho cấp dưới của mình nghỉ phép quá nhiều.
Thêm vào đó, CEO Nagamori không thích chia lợi nhuận của doanh nghiệp cho cổ đông mà luôn tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng như nhiều nhà đầu tư đề nghị các tập đoàn nước này lắng nghe mong muốn của cổ đông nhiều hơn thì ông Nagamori lại từ chối làm điều đó.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Nidec lại tăng không ngừng và đây là minh chứng rõ ràng nhất cho một số công ty Nhật Bản rằng những biện pháp kinh doanh trái với truyền thống vẫn có thể đem lại tăng trưởng khả quan.
Mặc dù giá cổ phiếu của Nidec từ đầu năm 2016 đến nay không thực sự tốt như trong phiên ngày 11/8 vừa qua, cổ phiếu này đã tăng 5,3% sau báo cáo lợi nhuận kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp của công ty.
Tính từ cuộc khủng hoảng năm 2008, cổ phiếu của Nidec đã tăng 457%, mức tăng gấp 8 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng đứng ở mức 12,1%, cao hơn mức bình quân 6,8% của sàn chúng khớn Topix.
Từ khi thành lập vào năm 1973, hãng Nidec đã mua hơn 40 công ty, bao gồm thương vụ 1,2 tỷ USD mua lại Emerson Electric Motor trong tháng vừa qua. Động thái M&A này nằm trong chiến lược 1 nghìn tỷ Yên (9,8 tỷ USD) của Nagamori nhằm mở rộng Nidec sang nhiều ngành nghề khác, từ sản xuất xe máy cho đến ô tô.
Hãng đầu quản lý tài sản Ichiyoshi Asset Management nhận định nếu nói đến M&A tại Nhật Bản, Giám đốc Nagamori là người đứng đầu trong các thương vụ như vậy.
Mặc dù đà tăng trong phiên 11/8 vừa qua khá mạnh nhưng giá cổ phiếu của Nidec vẫn thấp hơn mức đỉnh tháng 8/2015 tới 18%. Các chuyên gia phân tích dự đoán cổ phiếu của Nidec nhiều khả năng sẽ còn tăng trong 12 tháng tới.
Cổ phiếu của Nidec và chỉ số Topix.
Thăng chức cho người kiếm nhiều tiền nhất cho công ty
Theo Ichiyoshi Asset Management, chính sự thành công của Nidec có thể là mối rủi ro lớn nhất đối với công ty khi quá trình rút lui và chuyển giao quyền lực trong doanh nghiệp này diễn ra không suôn sẻ.
Ông Nagamori đã 71 tuổi và đây là thời điểm để Nidec có một thế hệ lãnh đạo mới điều hành đế chế kinh doanh và nếu kịch bản tồi tệ nhất diễn ra, có thể Nidec sẽ mất đi những bản sắc mà ông Nagamori mất công xây dựng lên.
Mặc dù vậy, ông Nagamori cho biết mình sẽ chưa rút lui trong thời gian tới. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, vị CEO này vẫn muốn được cống hiến cho công ty đến năm 2030 và đặt kế hoạch tăng tổng doanh thu hàng năm của công ty từ 1,2 nghìn tỷ Yên hiện nay lên 10 nghìn tỷ Yên.
Thậm chí nếu phải chuyển giao quyền lực, vị CEO này cũng có cách lựa chọn khá khác so với truyền thống khi tuyên bố sẽ trao quyền cho người nào kiếm được nhiều tiền nhất cho công ty. Đây cũng là phương pháo mà ông Nagamori dùng khi xem xét thăng chức cho nhân viên cấp dưới.
Triết lý kinh doanh của CEO Nagamori và Nidec khá lạ so với phong cách làm việc của phương Tây. Tất cả các nhân viên trong công ty không bao giờ phải lo lắng bị đuổi việc nếu như họ làm việc đúng giờ và tử tế.
Nếu nhân viên nào gặp khó khi làm việc hoặc không thể hoàn thành nhiệm vụ, ông Nagamori sẽ tìm một vai trò thích hợp hơn cho nhân viên này thay vì sa thải anh/cô ấy.
Triết lý kinh doanh của Giám đốc Nagamori khá dễ hiểu tại một đất nước mà công ty không đơn giản chỉ là nơi làm việc, kiếm tiền mà còn là một tổ chức đảm bảo đời sống cho người dân. Việc gắn bó vài chục năm với một doanh nghiệp không có gì là lạ ở Nhật Bản.
Theo ông Nagamori, việc theo dõi và quan tâm chặt chẽ đến cuộc sống của nhân viên là chìa khóa dẫ đến thành công cho Nidec. Thậm chí, vị CEO này luôn ăn cùng các nhân viên cấp dưới để tạo sự hòa đồng và văn hóa hòa hợp trong công ty ở mọi cấp lãnh đạo.
Ghét thói lười biếng
Mặc dù nhân viên tại Nidec khá hòa hợp và được quan tâm nhiều cũng như không lo bị đuổi việc nếu chăm chỉ, nhưng điều này không có nghĩa là nhân viên tại đây được thoải mái hết mức.
Nidec thường tổ chức các cuộc họp sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần khi các nhiệm vụ hàng ngày đã được hoàn thành nhằm tránh ảnh hưởng đến công việc của nhân viên. Tuy nhiên điều này khiến nhân viên ít có thời gian nghỉ ngơi hơn.
Thêm vào đó, những nhân viên mới đối khi bị yêu cầu quét dọn vệ sinh khi đã thực hiện xong nhiệm vụ được giao. Bất kỳ nhân viên nào xin được nghỉ phép hoặc đòi hỏi ngày nghỉ đều bị coi là lười biếng.
Thật trớ trêu là vị giám đốc nổi tiếng Nagamori không hề cảm thấy áy náy về điều này.
“Ngày nay, nếu bạn ép nhân viên làm mọi thứ theo yêu cầu công việc thì công ty của bạn thường bị gọi là bóc lột sức lao động. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu bạn không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thua. Điều duy nhất mà tôi không chịu nổi ở các nhân viên là khi họ chỉ ngồi đó và không làm gì cả”, ông Nagamori nói khi nhắc đến những tiêu chuẩn lao động ở Nhật Bản.
Thậm chí với cả cổ đông, nhà lãnh đạo này cũng đối xử khá “lạ” khi từ chối nâng cổ tức bất chấp tình hình kinh doanh vô cùng tốt của công ty. Tỷ lệ cổ tức bình quân của Nidec chỉ vào khoảng 0,9%/cổ, thấp hơn mức bình quân 2,3%/cổ trên sàn Topix.
Nhân viên mới là trung tâm của doanh nghiệp, không phải cổ đông
Ông Nagamori cho rằng những nhân viên trong công ty đáng để đầu tư hơn so với trả cổ tức cho các cổ đông, bởi chính những nhân viên này mới là người tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
“Khi tôi nói chuyện với các cổ đông, tôi cho biết họ là ưu tiên số 1, nhưng thực ra tôi nói dối. Tại nhưng kỳ họp đại hội thường niên, khi những cổ đông hỏi những câu hỏi quá quắt, tôi sẽ nói thẳng rằng những người như bạn không thích hợp mua cổ phiếu của công ty chúng tôi.
Tôi không có quyền chọn ai là cổ đông nhưng họ có thể chọn công ty khác để đầu tư”, ông Nagamori thẳng thắn trần tình.
Nhà điều hành Nidec 71 tuổi này là vị giám đốc đầu tiên thừa nhận công khai cách quản lý “bá đạo” và nóng tính của mình. Thậm chí, khi ông còn nằm trong ban điều hành ngân hàng Softbank của tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản Masayoshi Son, ông chủ của Nagamori cũng phải lắng nghe ý kiến của nhà điều hành thẳng tính này.
Khi Softbank mua lại Sprint Corp với trị giá 21,6 tỷ USD, ông chủ Masayoshi Son đã gặp khó trong việc thúc đẩy công việc kinh doanh tại Sprint Corp và đang có ý định bán lại mảng kinh doanh này.
Tuy nhiên, chính ông Nagamori đã thuyết phục ông Masayoshi Son đừng bán Sprint Corp.
“Tôi đã bảo ông ấy rằng đừng có bán công ty đó. Nếu bạn bán công ty của mình chỉ vì đang gặp khó khăn thì bạn chả khác gi một nhà đầu tư hơn là một doanh nhân.
Tôi đã nói với ông Masayoshi Son rằng tôi không thể đưa ra những lời khuyên về đầu tư, nhưng có thể đưa ra bất kỳ lời tư vấn nào về điều hành doanh nghiệp. Nếu ông ấy bán công ty, vậy tôi không có giá trị gì để có thể ở lại công ty nữa”, ông Nagamori nhớ lại.
Nói về giới trẻ Nhật bản ngày nay, ông Nagamori tỏ ra khá lo lắng khi cho rằng nhiều thanh thiếu niên quá thiếu tham vọng. Nhiều người trẻ hiện nay chỉ an phận thủ thường, muốn được về nhà mỗi tối chứ không muốn làm việc muộn để được thăng chức trở thành quản lý.
Khi được hỏi về ước mơ của mình sau khi đã có mức tài sản ròng 3,7 tỷ USd theo tính toán của hãng tin Bloomberg, ông Nagamori tỏ ra khá ngạc nhiên trước câu hỏi này và hầu như không do dự trả lời: “Tiếp tục xây dựng công ty to lớn hơn và rút lui khi thích hợp”.