Type 63C là biến thể sửa đổi từ nguyên mẫu xe thiết giáp lội nước Type 63 nổi tiếng (Việt Nam gọi là K63) do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Hoa Bắc - NORINCO của Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.
Thay đổi đáng kể nhất giữa Type 63C với "bậc tiền bối" là nó được bổ sung một gói trang thiết bị tối ưu cho hoạt động trên biển, bao gồm tấm cản nước, động cơ đẩy phản lực và lắp đặt thêm tháp súng máy hạng nặng 12,7 mm trên nóc.
Xe thiết giáp lội nước Type 63C của lính thủy đánh bộ Trung Quốc
Trong một thời gian dài Type 63C đã giữ vị trí "ngựa thồ" chủ lực của lính thủy đánh bộ Trung Quốc, chuyên làm nhiệm vụ đưa quân từ "tàu há mồm" vào bờ. Mặc dù đã cải tiến rất nhiều nhưng do là một nền tảng cũ mà Type 63C tồn tại nhược điểm không thể sửa chữa, đó là vận động chậm chạp, hỏa lực yếu, khả năng bảo vệ hạn chế...
Chính vì những lý do trên mà Type 63C đang mất vị trí rất nhanh vào tay dòng thiết giáp lưỡng cư đời mới ZBD-05, bên cạnh đó phiên bản xe tăng lội nước Type 63A cũng đang bị "hậu bối" ZTD-05 trao vào tay "sổ hưu".
Xe thiết giáp lội nước thế hệ mới ZBD-05 của lính thủy đánh bộ Trung Quốc
Tương lai không xa nữa, toàn bộ số Type 63C sẽ bị loại khỏi biên chế, với tham vọng hiện nay và năng suất đáng nể của các nhà máy chế tạo, khả năng lớn là Trung Quốc sẽ không cần niêm cất dài hạn (hoặc chỉ lưu kho một lượng nhỏ) để dồn sức trang bị ZBD-05.
Vậy khi đó điều gì sẽ xảy ra với số chiến xa dư thừa trên? Để tránh việc mất diện tích kho bãi và đặc biệt là tốn kinh phí tháo dỡ, đang có nhận định cho rằng Bắc Kinh sẽ "đẩy" số xe bọc thép này cho một đồng minh thân thiết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí địa lý gần với họ.
Ứng viên đầu tiên được nhắc tới Myanmar, tuy nhiên quốc gia Đông Nam Á này không hề thiếu thiết giáp, họ đã nhập khẩu hơn 500 chiếc BTR-3U từ Ukraine và dự định đưa con số này lên tới 1.000 xe, ràng thêm Type 63C là quá thừa thãi.
Tiếp theo liệu có phải là Philippines khi gần đây Trung Quốc đã viện trợ một số vũ khí để Manila chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo? Khả năng này cũng bị loại trừ vì Bắc Kinh từ lâu đã thực thi chính sách không cung cấp vũ khí hạng nặng cho quốc gia nào có tranh chấp chủ quyền với mình.
Do vậy sự chú ý đang hướng về phía Campuchia, quân đội nước này từ lâu đã quen dùng vũ khí Trung Quốc, thời gian qua còn nhận được viện trợ quân sự ngày càng tăng, trong đó có xe tải, trực thăng vũ trang và sắp tới là cả tàu chiến cũ.
Hải quân Hoàng gia Campuchia cũng đang có tham vọng xây dựng lực lượng lính thủy đánh bộ mạnh, cần có rất nhiều thiết giáp để đổ quân, với trình độ khai thác và tình hình tài chính của Phnom Penh thì có lẽ khó có phương tiện nào tỏ ra phù hợp hơn Type 63C.
Trường hợp Campuchia ngỏ ý "xin", gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ "gật đầu" tức khắc. Viễn cảnh sở hữu hàng trăm thiết giáp lưỡng cư Type 63C cùng xe tăng lội nước Type 63A sẽ khiến thủy quân lục chiến Campuchia "lột xác" trong chớp mắt. Đây là điều sẽ khiến các láng giềng của Đất nước Chùa tháp phải đặc biệt quan tâm.