Liệu sẽ có một "-exit" phiên bản ASEAN?

Đức Huy |

Sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu đòi rời khỏi liên minh châu Âu EU, giới quan tâm tới tình hình chính trị Đông Nam Á cũng đặt câu hỏi, liệu điều tương tự có xảy ra tại ASEAN?

Trong bối cảnh phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở nhiều nơi trên thế giới, và đặc biệt là sự kiện Brexit mới đây, hoàn toàn có lý do để lo ngại về việc các tổ chức hợp tác hội nhập trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng theo phân tích của Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Singapore, 10 nước thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vẫn có quá nhiều lý do để ở lại. Bên cạnh đó, có 3 nguyên nhân chính để ông Chalermpalanupap đi đến khẳng định, sẽ không có chuyện một "-exit" xảy ra tại ASEAN.

1. ASEAN không can dự đến chính trị mỗi nước

Theo ông Chalermpalanupap, tất cả lãnh đạo các chính phủ ASEAN đều hiểu rằng, việc kêu gọi trưng cầu dân ý ra khỏi hiệp hội sẽ không đem lại bất kì một lợi ích chính trị nào cho họ. Bởi từ trước đến nay, chưa từng có một mối liên hệ nào giữa việc ủng hộ/phản đối ASEAN với tâm lý người dân tại các nước Đông Nam Á. 

Thái Lan sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp vào ngày 7/8 tới, và sau đó tổng tuyến cử sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2017. Đến nay, chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy ASEAN là một chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tại Thái Lan.

Trong chuyến thăm Bangkok tuần trước, Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi cũng khẳng định với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tầm quan trọng của việc các nước ASEAN đồng tâm hiệp lực. 

Singapore sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2018, và sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, tương lai đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long chẳng hề phụ thuộc vào việc liệu Singapore có làm tốt nhiệm vụ của mình tại ASEAN hay không.   

Campuchia và Malaysia cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2018. Mối lo lớn nhất đối với đảng CPP của ông Hun Sen là CNRP do Sam Rainsy đứng đầu, còn ASEAN không phải vấn đề được các cử tri quan tâm. 

Tương tự với Malaysia, đảng UMNO của Thủ tướng Najib Razak sẽ dồn tâm trí vào phe đối lập là chủ yếu, và sẽ chẳng mấy ai để ý đến việc chính phủ Malaysia đã hoàn thành nhiệm vụ chủ tịch luân phiên ASEAN hồi năm 2015 ra sao. 

2. ASEAN không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân

Một điểm khác biệt lớn giữa ASEAN và EU là các thỏa thuận kí kết giữa các quốc gia Đông Nam Á gần như không có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân các nước ASEAN.

Không có khái niệm "công dân ASEAN". Người dân các nước ASEAN không có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, và tự do làm việc tại các nước ASEAN khác. Do đó, các nước thành viên ASEAN nhìn chung không phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nhập cư như những gì Anh và một vài nước EU khác đã và đang phải trải qua.

Trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đã có những động thái nhằm tạo điều kiện cho lao động có tay nghề. Song sau gần 10 năm thảo luận, vẫn chưa có tiến triển đáng kể trong việc thiết lập một công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư.

ASEAN có một số Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau (MRA) để tạo điều kiện cho chuyên viên trong nhiều lĩnh vực có thể dễ bề di chuyển qua lại. Nhưng việc áp đặt các thỏa thuận này vẫn chỉ mang tính thủ tục, và chưa đi đến kết quả như mong đợi. 

Trong lĩnh vực du lịch, một số nước ASEAN có thỏa thuận miễn thị thực song phương. Những thỏa thuận này giúp du khách có thể nhập cảnh dễ dàng trong khuôn khổ các nước ASEAN, nhưng chỉ với thời hạn 1 tháng, và không cho phép ở lại làm việc.

3. Không ai "ghét" Jakarta

Vì người dân các nước trong khối ASEAN không thực sự biết nhiều về hiệp hội này, họ không có quan điểm tích cực hay tiêu cực thái quá về Jakarta, nơi tọa lạc của Ban thư kí ASEAN, hiện do Tổng thư ký Lê Lương Minh của Việt Nam đứng đầu.

Có thể tạm coi Jakarta như một phiên bản ASEAN của Brussels, nhưng về mặt bản chất, hai đầu não này khác biệt rất lớn.Nếu như Boris Johnson và nhóm Brexit có thể chĩa mũi dùi công kích vào Brussels để huy động cử tri bỏ phiếu "Leave", thì ASEAN chỉ có ban thư kí mà không có một nghị viện thiết lập luật pháp chung cho hiệp hội này. 

Việc tuân thủ và áp đặt các thỏa thuận ASEAN chỉ dựa trên nỗ lực của từng thành viên, trên tinh thần thông cảm cho bối cảnh riêng của mỗi nước.

Người dân Anh ủng hộ Brexit rất bất bình với việc có tới 32.900 (!?) quan chức và nhân viên làm việc tại Nghị viện châu Âu (EC), đồng thời cho đó là một bộ máy quan liêu. Trong khi đó, Ban thư ký ASEAN chỉ có xấp xỉ 300 nhân sự.

Một quan điểm khác của nhóm Brexit là họ không chấp nhận việc phải "gánh" các nước phát triển còn chậm ở Đông Âu khi EU mở rộng. Nhưng tại ASEAN, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, thì mỗi thành viên đều đóng góp một phần bằng nhau vào ngân sách điều hành của Ban thư ký.

Một số khía cạnh khác

Bên cạnh 3 lý do chính nêu trên, còn một số khía cạnh khác được chuyên gia Chalermpalanupap chỉ ra trong bài viết của mình.

Đối với EU, điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon cho phép một thành viên có 2 năm để hoàn tất các thủ tục rút lui. Nhưng Hiến chương ASEAN không hề có một điều khoản rút lui tương tự.

Các quyết định chính sách của ASEAN được đưa ra trên nguyên tắc thảo luận dẫn đến đồng thuận, do đó về mặt lý thuyết, nếu các thành viên còn lại không đồng thuận thì không nước nào được "exit" cả. 

Nhưng trên thực tế, nước X nào đó có thể không dự các cuộc họp ASEAN nữa, cũng như không đóng góp vào ngân sách Ban Thư ký, khiến hiệp hội bị đình trệ trong công việc.

Ở cuối bài viết, ông Chalermpalanupap cũng cảnh báo, ASEAN cần rút ra bài học từ sự kiện Brexit. Họ phải hiểu rằng những lợi ích kinh tế thu được từ hợp tác khu vực là hết sức to lớn, dù không phải lúc nào cũng hiển nhiên để người dân có thể nhận ra.

Những lợi ích kinh tế thường bị coi nhẹ, trong khi đó, những bất đồng chính trị, sự quan liêu trong bộ máy điều hành, và chi phí xã hội lại luôn bị thổi phồng.

Tóm lại, theo ông Chalermpalanupap, hiện nguy cơ một vụ "-exit" xảy ra trong khối ASEAN gần như không tồn tại, nhưng cũng không thể suy nghĩ một cách chủ quan rằng ASEAN là một hiệp hội không thể thiếu đối với mọi thành viên, mọi lúc, mọi nơi.      

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại