Bản sắc hay kinh tế?
Những hậu quả về mặt kinh tế từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã xảy đến nhanh chóng và rõ rệt.
Đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán London ngay lập tức giảm hơn 8% sau khi kết quả trưng cầu được công bố, đây là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trước đó, các nhà phân tích tài chính đều dự báo được những hậu quả này. Và rõ ràng rằng những người bỏ phiếu ủng hộ phương án nước Anh rời khỏi EU cũng được cảnh bảo rất nhiều về những rủi ro kinh tế đó. Vấn đề nằm ở chỗ, họ lại chỉ quan tâm tới một điều khác, đó chính là "nhập cư".
Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra: Người nhập cư đã thúc đẩy nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, những người ủng hộ Anh rời EU không mấy bị thuyết phục bởi các kết quả nghiên cứu này.
Họ không cho rằng người nhập cư mang lại lợi ích, hoặc họ thấy những mặt không tốt của làn sóng nhập cư đang lấn át những mặt tích cực của nó.
Brexit không chỉ là một cú giáng mạnh vào kinh tế Anh, mà nó còn thách thức một quan điểm cốt lõi về trật tự trong chủ nghĩa tự do hiện đại khi cho thấy rằng, trong thực tế, các cử tri sẽ hành động vì lợi ích cá nhân của họ.
Diễn biến lịch sử trong 50 năm qua, đặc biệt là ở Châu Âu, dễ khiến người ta đi tới kết luận là các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại, mang trong mình đầy định kiến chỉ là những sự bất hợp lý của lịch sử, những biến thái của thị trường, và sẽ tự nhiên biến mất dần theo chiều dài lịch sử.
Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tuần trước ở Anh đã làm rõ thêm, tuy không phải là lần đầu tiên – nhưng lần này rõ ràng một cách bất thường, rằng kết luận trên đang tồn tại lỗ hổng lớn.
Đối với rất nhiều người, bản sắc vẫn quan trọng hơn kinh tế. Họ sẵn sàng trả giá cao (theo nghĩa đen, trong trường hợp này) để bảo tồn một trật tự xã hội mà trong đó họ cảm thấy an toàn và mạnh mẽ, có quyền lực.
Tâm lý này không chỉ tồn tại ở Anh hay trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Nó đang hiện diện ở các nền dân chủ khắp thế giới, và làn sóng nhập cư đang là tâm điểm chú ý của nó.
Rất nhiều công dân, đặc biệt là những người phải chịu áp lực của quá trình toàn cầu hóa, đã thể hiện sự lo lắng của họ trước các thay đổi trong quá trình này, bằng cách tập trung vào một sự thay đổi khác: Những người nhập cư đang sống giữa xã hội của họ.
Ngăn chặn nhập cư, tuy chỉ làm cho nền kinh tế tồi tệ đi, dường như lại là một cách để họ chặn đứng những thay đổi lớn đang làm họ lo sợ.
Trong khi đó, hết lần này tới lần khác, các chính phủ đều không đưa ra câu trả lời cho sự lo sợ này, dù ngay giữa lúc các cổ phiếu, ở Châu Âu cũng như trên toàn cầu, đang tăng giá, các nền kinh tế đang phát triển tốt.
Quốc kỳ Anh trên một khu trại của người nhập cư ở Calais, Pháp ngày 24/6, sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quyết định đưa nước này rời EU. (Ảnh: Pascal Rossignol/Reuters)
Số liệu không thể chiến thắng sự cảm tính
Nhà kinh tế học Michael Clemens, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Phát triển Toàn cầu (CGD) – có trụ sở tại Washington D.C, đã gọi nhập cư là một "hóa đơn nghìn tỷ USD nằm trên vỉa hè", một tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và giàu có cho bất cứ quốc gia nào hấp dẫn người nhập cư và chào đón họ.
Theo Clemens, nới lỏng các hạn chế trong dòng chảy lao động toàn cầu sẽ là một động lực lớn giúp kinh tế thế giới phát triển. Động lực này còn lớn hơn cả việc dỡ bỏ hết tất cả các hạn chế về thương mại và vốn.
Nhưng các số liệu, bằng chứng "không bỏ phiếu thay cử tri". Để rồi, những lợi ích của dòng người nhập cư thường trở nên rất mờ nhạt, khó nắm bắt, còn các thiệt hại thường được nhận thức một cách nặng nề hơn bản chất vốn có.
Ngày 20/6, Ipsos/MORI - công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu ở Anh và Ireland, đã công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận. Theo đó, 47% những người ủng hộ Brexit cho rằng nhập cư là một điều không tốt đối với nền kinh tế Anh.
Các cử tri có quan điểm như vậy đã bất chấp kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế- Xã hội Quốc gia Anh, rằng: Người nhập cư đã giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh và giúp giảm chi phí các dịch vụ công như y tế, lương hưu, do đó giúp giảm các loại thuế mà người Anh phải đóng.
Tất nhiên, việc dòng nhập cư mang lợi ích cho nước Anh (khi xét trên tổng thể) không có nghĩa rằng tất cả người Anh đều được hưởng lợi từ nó.
Phân tích về mặt địa lý kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, chuyên gia Torsten Bell, cựu cố vấn của đảng Lao động Anh, Giám đốc của Resolution Foundation – một tổ chức nghiên cứu có mục tiêu giúp nâng cao mức sống của người Anh, cho biết: Những vùng có tỉ lệ bỏ phiếu ủng hộ Brexit cao lại là những vùng có ít người nhập cư hơn đồng thời cũng có mức lương thấp hơn.
Điều này cho thấy, thậm chí cả những người Anh không mất việc làm vào tay người nhập cư cũng đã thể hiện sự lo lắng về mặt kinh tế bằng việc chống nhập cư một cách cảm tính.
"Bạn sẽ thấy việc chống nhập cư rõ hơn ở những vùng có nền kinh tế đang thay đổi, hoặc bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu", Alexandra, một nhà nghiên cứu từ Đại học Kinh tế London cho biết.
"Việc quy kết các vấn đề của toàn cầu hóa thành vấn đề về nhập cư giúp chạm đến trái tim cảm tính của các cử tri, bất chấp các dữ kiện thực tế".
Tỉ phú Trump giành được sự ủng hộ không nhỏ nhờ chính sách chống lại làn sóng nhập cư và hạn chế người nhập cư vào Mỹ. (Ảnh: express.co.uk)
Sự giao thoa giữa áp lực kinh tế và các thay đổi về dân số
Tại sao người dân Anh đổ hết trách nhiệm tới những người nhập cư vô danh cho các lo lắng về kinh tế của họ?
Câu trả lời chính xác nhất, đơn giản nhất là: Kể cả khi những người nhập cư không chiếm mất việc làm của người Anh thì họ vẫn thực sự thay đổi nước Anh "theo hàng triệu cách dễ nhận thấy".
Các thay đổi này đang làm người Anh lo ngại, dù không thể phủ nhận rằng nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Đối với những người Anh đã bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, những thay đổi xã hội này đã góp thêm vào cảm giác rằng một thứ quý giá nào đó của họ đang bị mất, rằng đất nước của họ đang chệch hướng khỏi những giá trị mà họ tôn thờ để đi tới một tương lai mới mà họ không mấy quen thuộc.
Những người vận động ủng hộ Brexit đã đánh trúng tâm lý lo ngại này và cho rằng người nhập cư (thậm chí thỉnh thoảng còn ngụ ý là người da màu) đã dẫn nước Anh tới sự "tan vỡ". Các báo lá cải Anh thường đưa tin về tội phạm là người nhập cư với những tình tiết khủng khiếp và đưa ra cảnh báo rằng những người tị nạn là một "bầy người" có thể làm đất nước "sa lầy".
Hiện tượng trên không phải chỉ tồn tại ở Anh. Ở nước Mỹ, tuy số người nhập cư từ Mexico đã là con số 0 từ năm 2010 đến nay, nhưng các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa vẫn rất hào hứng với lời hứa của ứng viên Donald Trump về việc xây dựng một bức tường ở đường biên giới với Mexico (mà có lẽ để nhằm ngăn chặn những lo lắng tưởng tượng của cử tri).
Một cửa hàng ở London, Anh (Ảnh: Adam Ferguson/The New York Times)
Brian Klaas, một nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế London, cho rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa bên ủng hộ ông Trump ở Mỹ và đảng Độc lập (U.K. Independence Party) ở Anh – những người ủng hộ chính của Brexit.
Ông Klaas nói: "Hai lực lượng cử tri có thể có điểm chung vì đều là những người cảm thấy bị ra rìa và tụt hậu bởi toàn cầu hóa nền kinh tế, và họ đều xác định rằng vấn đề không chỉ nằm ở dòng nhập cư, mà còn ở chính những chính phủ quan liêu theo cách đánh giá của họ".
Ở Australia, việc chống nhập cư đang tăng lên, chủ yếu tập trung vào những người nhập cư từ Đông Nam Á.
Dưới áp lực ngày càng tăng, Chính phủ nước này thậm chí đã xây dựng các trung tâm cho người tị nạn ở ngoài khơi, để ngăn cản người nhập cư đặt chân lên đất Australia một cách vô thời hạn.
Khi làn sóng chống nhập cư thể hiện qua các lá phiếu
Làn sóng chống nhập cư có thể chỉ được thể hiện theo vài cách khác nhau. Những người nhập cư có thể bị những người bài ngoại tấn công, hoặc không được pháp luật bảo vệ hoàn toàn. Nhưng những hậu quả thì rộng hơn rất nhiều.
Brexit đã cho thấy rõ ràng những rủi ro về mặt kinh tế. Nhưng cũng tồn tại cả những rủi ro về mặt chính trị. Ví dụ ở Hungary, làn sóng chống nhập cư đã làm giảm uy tín Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng như đảng cực hữu Jobbik của ông.
Ở Hy Lạp, đảng lớn thứ ba trong chính phủ là Golden Dawn (Bình minh Vàng) được nhìn nhận là một đảng tân phát xít, với khẩu hiệu bài ngoại "Nước Hy Lạp thuộc về người Hy Lạp".
Đảng này đã có được hơn 500.000 phiếu trong cuộc bầu cử tháng 9/2015, dù thời điểm đó người đứng đầu của nó đang bị khởi tố với tội danh giết người.
Jonathan Haidt, giáo sư về tâm lý học xã hội tại Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, nêu quan điểm:
"Hiện tượng này giống như việc mọi người đều được nhấn nút trên trán và bị ra lệnh: Khi đạo đức bị đe dọa, hãy đóng cửa biên giới, hãy tống ra ngoài tất cả những ai khác biệt và trừng phạt những kẻ đạo đức giả."
Các chuyên gia khác thì cho rằng, hiện tượng này giúp giải thích vì có sự gia tăng trong số lượng cử tri Mỹ ủng hộ Donald Trump và đề xuất trục xuất hàng loạt cùng lệnh cấm người nhập cư Hồi giáo của ứng viên này.
Nói cách khác, các thay đổi xã hội và áp lực về kinh tế - chính xác những điều mà các cử tri ủng hộ Brexit đang phải trải qua - thường dẫn tới việc chống lại người nhập cư.
Toàn cầu hóa sẽ không biến mất, những thay đổi mà nó mang tới – bao gồm gia tăng nhập cư và sự phân hóa xã hội về kinh tế - cũng sẽ không biến mất. Và những xáo trộn mà Brexit vừa tạo ra có thể lại trở thành nguồn cơn của nhiều đổi thay, nhiều căng thẳng và bất ổn hơn nữa.
*Bài viết thể hiện qua điểm của tác giả Amanda Taub, đăng trên The New York Times ngày 26/6.