Liên tiếp cảnh báo rắn độc ở VN: "Tôi dùng gậy chặn đầu thì rắn phun ra nọc rất nguy hiểm"

Hoa Hướng Dương |

Nhiều người đang cảm thấy lo lắng trước tình trạng rắn độc xuất hiện ngày càng nhiều ở các khu dân cư, nhất là rắn lục đuôi đỏ.

Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại Bình Dương .

Vừa qua, báo chí liên tiếp đưa tin các vụ rắn độc xuất hiện tại các khu dân cư, thậm chí như tại khu chung cư Linh Đàm (Hà Nội) đã có trường hợp cháu bé bị rắn hổ mang cắn. Trên mạng xã hội, ở nhiều nơi trên cả nước, cũng có những cảnh báo về rắn độc, nhất là rắn lục đuôi đỏ, hoành hành.  

Theo lời kể của Nguyễn Anh Thế, gần đây rắn lục đuôi đỏ đi vào nhà anh khá nhiều, tại đoạn Lê Hồng Phong, phường Phú Thọ, quận Thủ Dầu Một, Bình Dương. Anh chia sẻ: "Tôi đã dùng gậy để chặn đầu rắn thì thấy rắn phun ra nọc độc vô cùng nguy hiểm và đáng sợ".

Xem video chi tiết anh Thế:

Rắn lục đuôi đỏ lại xuất hiện tại bình dương. Nguồn: Facebook

Trước đó, vào đầu tháng 8 thì tình trạng này cũng xuất hiện trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) và các khu vực lân cận, bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ tấn công.

Trả lời trên báo Zing, Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A của Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết về tác hại khi bị loài rắn này cắn như: Nạn nhân sẽ bị tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu để lâu không cấp cứu đúng cách thì nạn nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Liên tiếp cảnh báo rắn độc ở VN: Tôi dùng gậy chặn đầu thì rắn phun ra nọc rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Herping Thailand

Đây có phải là "mùa rắn" ở miền Nam không, vì sao loài rắn này hay vào nhà dân?

Việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường và đi vào nhà dân không phải năm nay mới có mà đã có từ nhiều năm trước. Cũng trên báo Zing cho hay từ tháng 6, 7 (mùa sinh sản của rắn lục) năm 2015, rắn lục đuôi đỏ đã được thấy ở nhiều khu vực của TP. HCM.

Đặc biệt chúng thường xuất hiện ở các khu vực ven sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, nhất là những nơi đang bị san lấp lấp đất để thực hiện dự án nhà ở, đô thị hóa. 

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, lý giải trên báo Vietnamnet: Tình trạng này là do môi trường sống, sinh sản của rắn bị thu hẹp, phải bò vào nhà dân.

Liên tiếp cảnh báo rắn độc ở VN: Tôi dùng gậy chặn đầu thì rắn phun ra nọc rất nguy hiểm - Ảnh 4.

Màu xanh giúp rắn ngụy trang với môi trường xung quanh. Ảnh: Thai National Parks

Trên trang 24H, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho biết việc nghiên cứu về loài rắn lục đuôi  đỏ ở Việt Nam hiện còn hạn chế. Theo ông rắn là loài biến nhiệt nên việc nhiệt độ tăng cao vào mùa hè cũng sẽ khiến số lượng rắn bùng phát.

Ngoài ra, việc chặt phá rừng (môi trường sống chủ yếu của rắn lục đuôi đỏ) cũng đẩy chúng gần hơn tới các khu đô thị, đông dân cư. Việc săn bắt các thiên địch của rắn như cầy, cáo, mèo cũng làm cho số lượng của rắn lục đuôi đỏ tăng cao khi không bị khống chế. 

Khác với nhiều loài rắn khác, rắn lục đuôi đỏ không có có giá trị kinh tế như nhiều loài rắn khác, nên ít bị săn bắt. Cộng với việc đẻ nhiều con (so với đẻ trứng như các loại rắn khác) với số lượng từ 4 đến 14 con/lần cũng góp phần làm tăng nhanh số lượng cho loài rắn độc này.

Khuyến cáo sơ cấp cứu

TS Nguyễn Quảng Trường cho biết mặc dù nọc độc của loài rắn lục đuôi đỏ không trực tiếp tác động lên hệ thần kinh, nhưng thay vào đó, nọc độc lại tấn công hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử.

Liên tiếp cảnh báo rắn độc ở VN: Tôi dùng gậy chặn đầu thì rắn phun ra nọc rất nguy hiểm - Ảnh 6.

Có thể trồng sả quanh nhà hay nuôi mèo để hạn chế việc rắn lục đi vào nhà. Ảnh minh họa.

Đáng sợ hơn, ngay khi bị chết (đầu rắn bị cắt rời) thì nó vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ trong vòng 90 phút kể từ sau khi bị giết. Khi không may bị rắn lục cắn thì không nên hoạt động nhiều để tránh đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, khiến độc nhanh chóng lan rộng.

Tuyệt đối không rạch, tìm cách hút hay nặn máu độc cũng như đắp các loại lá thảo dược theo kinh nghiệm dân gian. Không nên ga-ro bằng dây cao su hoặc buộc quá chặt để tránh hoại tử.

Cuối cùng đưa ngay bệnh nhân (và con rắn đã bị đập chết nếu có) đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị đúng đắn và kịp thời nhất. Hiện nay Bộ Y tế, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.

* Bài viết tổng hợp từ các nguồn: Zing.vn, 24h, Vietnamnet, Reptile-database, Thainationalparks 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại