Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán liên minh giữa liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã thất bại hồi giữa tháng 11.
SPD từng là một đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel giai đoạn 2005-2009 và 2013-2017. Trong suốt 12 năm nắm quyền lực ở nước Đức của bà Merkel, các đối tác nhỏ trong liên minh của bà chỉ nhận được số lá phiếu ít ỏi từ các cử tri nhờ việc tham gia Chính phủ liên minh, và SPD không muốn lặp lại điều đó nên từ trước cuộc bầu cử đã tuyên bố sẽ loại bỏ khả năng tham gia Chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng tăng về việc duy trì ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, SPD đã thay đổi quan điểm, nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò về liên minh cầm quyền với Thủ tướng Merkel.
Chủ tịch SPD Martin Schulz cũng nói rằng, không có gì có thể loại trừ trước cuộc đàm phán với liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo của Thủ tướng Angela Merkel để thành lập một Chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, ông Schulz cũng nói rằng, không có sự chắc chắn các cuộc đàm phán này sẽ thành công: “Nếu các cuộc thảo luận có thể dẫn tới việc chúng tôi tham gia thành lập Chính phủ ở một hình thức nào, thì các thành viên trong đảng cũng sẽ bỏ phiếu về vấn đề này.
Thời gian tới sẽ đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn từ tất cả các thành viên trong đảng. Chúng tôi sắp bước vào các cuộc thảo luận mà hướng đi của nó vẫn còn chưa chắc chắn. Nhưng không có lựa chọn nào có thể loại trừ khỏi bàn đàm phán”.
Hơn 2 tháng sau cuộc bầu cử liên bang ngày 24/9, nước Đức vẫn chưa thành lập được một Chính phủ mới sau khi các cuộc đàm phán liên minh giữa liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Merkel với đảng Xanh và FDP thất bại hôm 19/11 vừa qua.
Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ theo đuổi việc thành lập một Chính phủ đại liên minh, đồng thời cho biết Chính phủ hiện nay của bà vẫn có thể duy trì các hoạt động cho đến khi một Chính phủ mới được thành lập.
Bà Merkel cũng nói rằng, Đức cần một Chính phủ ổn định càng sớm càng tốt để hồi đáp những đề xuất về cải cách Liên minh châu Âu và để đối phó với môi trường toàn cầu đầy bất ổn.
“Chúng tôi tin rằng một Chính phủ ổn định sẽ được thành lập, với quan điểm hưởng tới châu Âu, xem xét sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta, những thách thức mới mà chúng ta phải đối mặt, xem xét nguyện vọng của người dân về việc có điều kiện sống công bằng và giải quyết câu hỏi về vấn đề di cư và hội nhập.
Đó là lý do vì sao chúng tôi sẵn sàng khởi động đàm phán với SPD. Theo cách tương tự chúng tôi đã tiến hành với đảng FDP và đảng Xanh: Chân thành, chủ động, thành thực và tất nhiên là với mục đích đạt được các cuộc đàm phán thành công, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó với đảng SPD”, bà Merkel nói.
Theo giới quan sát, đàm phán "đại liên minh" giữa liên minh CDU/CSU và đảng SPD lần này sẽ diễn ra không hề dễ dàng bởi giữa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng.
Lo ngại về điều này, nhiều thành viên cấp cao trong liên đảng bảo thủ CDU/CSU đã lên tiếng yêu cầu SPD kiềm chế đưa ra những giới hạn đỏ trong các vấn đề chính sách, động thái có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán thăm dò thành lập một Chính phủ ổn định.
Bộ trưởng Y tế Đức Hermann Groehe, người cũng là một thành viên cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel nhấn mạnh không nên làm phức tạp các nỗ lực tìm kiếm một hình thức hợp tác ổn định bằng việc vạch ra những giới hạn đỏ.
Ông Groehe cho rằng, trong 4 năm qua, Chính phủ liên minh giữa liên đảng CDU/CSU với SPD đã có nhiều thành công. Bên cạnh đó, các chính đảng lớn đều có một trách nhiệm đặc biệt đối với đất nước và việc thành lập một Chính phủ ổn định là điều cần thiết nhất đối với các bên vào thời điểm này.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, một thành viên trong khối bảo thủ của bà Merkel khẳng định một Chính phủ ổn định là sự cần thiết để có thể tiến tới các ưu tiên cho vấn đề an ninh.
Một thành viên cấp cao khác, bà Annegret Kramp-Karrenbauer cho rằng liên đảng CDU/CSU và đảng SPD nên tìm ra cách khắc phục những khác biệt và tập trung mọi nỗ lực vào việc thành lập một liên minh đoàn kết vững mạnh./.