Libya cận kề thảm họa: Chính phủ phát động "Núi lửa thịnh nộ", thề đập tan quân Haftar "phản bội"

Hải Võ |

Quân đội ủng hộ chính phủ Libya do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã phát động chiến dịch bảo vệ Tripoli trước cuộc tiến công của lực lượng tướng Khalifa Haftar từ miền đông Libya.

Tướng Haftar bị gọi là kẻ phản bội

Al Jazeera đưa tin, quân đội Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) thề sẽ giành lại tất cả những khu vực bị lực lượng trung thành với tướng Haftar chiếm đóng, trong bối cảnh quân Haftar đang dần áp sát khu vực ngoại ô thủ đô Tripoli và đã tiến hành đợt không kích đầu tiên.

Đại tá Mohamed Gnounou, người phát ngôn GNA, ngày 7/4 cho biết chiến dịch phòng thủ mang tên "Núi lửa thịnh nộ" (Volcano of Anger) đã được phát động nhằm "thanh lọc toàn bộ thành thị ở Libya khỏi kẻ xâm lược và các lực lượng phi pháp".

Tuyên bố của chính phủ Tripoli được đưa ra sau khi phe Haftar tuyên bố đã tiến hành cuộc không kích đầu tiên vào vùng ngoại ô thủ đô nhằm lật đổ chính phủ được LHQ bảo trợ và giành quyền kiểm soát Tripoli.

Trước đó, quân đội GNA cũng đã không kích vào các mục tiêu Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar ở vị trí khoảng 50 km về phía nam Tripoli hôm thứ Bảy 6/4.

Cùng ngày mùng 6, người đứng đầu GNA, thủ tướng Fayez al-Sarraj cáo buộc Haftar đã "phản bội" ông khi tiến quân đánh về Tripoli. Trong bài diễn văn phát sóng trên truyền hình, ông al-Sarraj tuyên bố Haftar sẽ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ những lực lượng trung thành với GNA.

"Chúng tôi đã vươn tay hướng đến hòa bình, nhưng sau khi hành động xâm lược được thực hiện từ các lực lượng thuộc về Haftar, cùng với lời tuyên chiến nhằm vào các thành phố và thủ đô của chúng tôi... thì ông ta sẽ không tìm thấy gì ngoài sự mạnh mẽ và kiên quyết," al-Sarraj nói. Ông cũng cảnh báo xung đột sẽ dẫn đến "một cuộc chiến không kẻ thắng".

Libya cận kề thảm họa: Chính phủ phát động Núi lửa thịnh nộ, thề đập tan quân Haftar phản bội - Ảnh 1.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (giữa) chụp ảnh cùng người đứng đầu GNA Fayez al-Sarraj (trái) và Tổng tư lệnh LNA tướng Khalifa Haftar bên lề hội thảo quốc tế về vấn đề Libya tại Palermo, ngày 13/11/2018 (Ảnh: AFP)

Al-Sarraj và Haftar đã tổ chức đàm phán hồi tháng 2 vừa qua tại Abu Dhabi - cuộc gặp đầu tiên được xác nhận giữa hai bên kể từ tháng 11/2018. Tại đây, hai ông nhất trí về sự cần thiết phải tổ chức tổng tuyển cử - theo báo cáo của LHQ.

"Hai ông cũng đồng ý về giải pháp duy trì ổn định đất nước và thống nhất các tổ chức," LHQ cho hay.

Mục đích của phe Haftar khi bất ngờ tấn công Tripoli là gì?

Lo sợ một cuộc chiến quy mô lớn sắp bùng nổ, người dân Tripoli đã bắt đầu tích trữ thực phẩm và nhiên liệu.

GNA kiểm soát Tripoli, trong khi LNA ủng hộ một chính quyền khác ở miền đông Libya, tạo thành thế giằng co trong cục diện chính trị ở nước này sau khi nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Giao tranh nổ ra ở Tripoli đã khiến quân đội Mỹ phải tạm rút một phần lực lượng ra khỏi Libya. Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ, có trụ sở ở Stuttgart, Đức, cho biết "sẽ tiếp tục theo dõi các điều kiện trên thực địa ở Libya và đánh giá tính khả thi để tái triển khai hiện diện quân sự Mỹ một cách phù hợp".

Jason Pack, người sáng lập tổ chức tham vấn Libya Analysis, nhận định cuộc tấn công do Haftar phát đông không nhằm chiếm lĩnh Tripoli, mà chủ yếu để gửi đi thông điệp trước khi đại hội toàn quốc về hòa bình do LHQ bảo trợ diễn ra vào giữa tháng này.

"[Đợt tấn công] là một cuộc xung đột truyền thông. Haftar đang phô trương thanh thế trước đại hội toàn quốc. Ông ta điều động binh lực, tiến hành vài vụ không kích, cố gắng kiểm soát một số điểm chiến lược nhưng sẽ không tìm cách thôn tính thành phố [Tripoli] bằng vũ lực như ông ta khiến chúng ta tin như thế," Pack nói.

"Tôi cho rằng LHQ và cộng đồng quốc tế đã hạ quyết tâm với đại hội [Libya] rằng họ sẽ không bị lay chuyển bằng bạo lực hay những kẻ phá hoại, và họ đang có một kế hoạch."

"Vấn đề ở đây là có nhiều khúc mắc trong hàng ngũ quốc tế. Đó thực là điều đáng xấu hổ," ông bình luận. "Pháp nói một đằng trong các tuyên bố của họ nhưng lại hành động khác trên thực địa, ngoài ra còn những bên khác đang tuyên bố ủng hộ lập trường của LHQ nhưng thực ra lại ủng hộ các phe nhóm khác [ở Libya]."

Pháp, Nga được cho là các nhà bảo trợ quan trọng đối với lực lượng Haftar, ngoài ra còn có Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại