AFP dẫn nguồn các nhà ngoại giao ở HĐBA cho biết, Moskva khẳng định rằng thông cáo chính thức thúc giục tất cả các lực lượng ở Libya ngưng giao tranh, nhưng đề xuất sửa đổi đã bị Mỹ phản đối.
Sau phiên họp kín hôm thứ Sáu (5/4), HĐBA đã gửi thông tin đến báo chí, kêu gọi tất cả các lực lượng tại Libya "ngưng các hành động quân sự". Sau đó, Anh đề xuất một văn kiện tuyên bố chính quy hơn để 15 nước thành viên HĐBA phê duyệt, nhưng văn bản này bị Nga phản đối.
Bản thông cáo sửa đổi do Anh đề xuất kêu gọi các lực lượng thân Haftar ngưng hành động quân sự, đồng thời tất cả các phe hạ nhiệt căng thẳng. Bản thảo này "kêu gọi truy cứu trách nhiệm những người phá hoại hòa bình và an ninh Libya", cũng như tái khẳng định sự ủng hộ của LHQ đối với việc tổ chức một hội nghị quốc gia trong tháng này ở Libya để thảo luận vấn đề tổ chức bầu cử.
Nga là một trong những nhà bảo trợ then chốt của tướng Khalifa Haftar, bên cạnh Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng vào tối 7/4, "Chúng tôi đã nêu rõ lập trường phản đối cuộc tấn công quân sự của lực lượng Khalifa Haftar và thúc giục ngừng ngay các chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô của Libya".
"Chiến dịch quân sự đơn phương chống lại Tripoli đang gây nguy hiểm cho dân thường và phá hoại viễn cảnh tương lai tốt đẹp cho tất cả người dân Libya," ông nói.
Ông Pompeo nhấn mạnh rằng "không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Libya" và thúc giục tất cả các bên trở lại giải pháp "đàm phán chính trị" theo lộ trình của LHQ.
Các cuộc giao tranh đã bùng nổ ác liệt ở phía nam Tripoli vào ngày 7/4, ba ngày sau khi Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar phát động chiến dịch tấn công hướng về thủ đô Libya - hiện do chính phủ đoàn kết được LHQ hậu thuẫn quản lý, cùng với nhiều lực lượng dân quân.
LNA thông báo, lực lượng này đã tiến hành cuộc không kích đầu tiên vào một khu ngoại ô Tripoli. Theo AFP, phái bộ LHQ ở Libya kêu gọi ngừng bắn nhân đạo trong 2 giờ đồng hồ, nhưng đề nghị này không được đáp lại.
Bộ y tế của chính quyền Tripoli cho biết ít nhất 21 người đã bị giết và 27 người bị thương trong giao tranh.
Hành động quân sự của phe Haftar làm bùng lên lo ngại về khả năng chiến tranh tái bùng phát ở Libya, và dấy lên nghi vấn về kết quả nỗ lực của LHQ trong việc đặt nền móng cho bầu cử tại quốc gia này với hội nghị quốc gia ngày 14-16/4 tới.
Libya rơi vào hỗn loạn từ năm 2011 sau khi đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ. Cục diện chính trị nước này từ đó đã chứng kiến thế giằng co giữa chính quyền Tripoli và lực lượng ủng hộ tướng Haftar ở miền đông đất nước.