Phật giáo ở phương Tây
Theo các tài liệu nghiên cứu về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, đã có sự tiếp xúc, giao thoa văn hóa giữa Phật giáo và nền văn minh phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại.
Tuy nhiên, các nước châu Âu và Mỹ chỉ thực sự quan tâm, chú ý đến đạo Phật từ thế kỷ 19. Các học giả, đặc biệt là các triết gia nghiên cứu Phật giáo một cách nghiêm túc. Bởi Phật học có “Duyên khởi” - thuyết có thể giải thích được 2 mặt trong vấn đề cơ bản của triết học.
Trong cuốn The Anti-Christ, triết gia lừng danh Friedrich Nietzsche từng gây tranh cãi khi cho rằng: “Phật giáo với thuyết duyên khởi thực tiễn gấp hàng trăm lần so với giáo lý đạo Thiên chúa”.
Giới học giả là vậy, còn dân chúng phương Tây? Từ thế kỷ 19, làn sóng nhập cư từ châu Á cũng giúp lượng Phật tử tăng đáng kể. Thậm chí, bắt đầu xuất hiện những người cải đạo sang Phật giáo.
Trong một vài năm trở lại đây, Phật giáo lại càng nở rộ ở châu Âu. Theo Buddhist Channel, số lượng người theo Phật giáo ở các nước châu Âu hiện nay ước đạt lên tới con số 3 triệu tín đồ.
Phật giáo có chỗ đứng ở phương Tây, theo các nhà nghiên cứu, vì nó đưa ra được những giải pháp về khủng hoảng môi trường, xã hội, y tế và đặc biệt là phương pháp Thiền của Phật học.
Nói như Albert Einstein - cha đẻ của Thuyết tương đối thì “Phật Giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi.
Nó vượt xa hơn giới hạn của việc thờ cúng cá nhân một vị thần hay thánh, và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học”.
Và: “Nếu có được một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.
Fabrice Midal, một triết gia Phật giáo nổi tiếng người Pháp thì cho rằng: “Nếu bắt buộc phải định nghĩa Phật Giáo bằng một câu duy nhất thì tôi sẽ nói rằng đấy là một phương pháp giúp chúng ta sống thật trọn vẹn từng giây phút một trong cuộc đời này”
Trong số những người theo Phật giáo hoặc bị ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật ngày nay còn có những ngôi sao bóng đá như Roberto Baggio, Mehmet Scholl và Mario Baloteli.
Tuy nhiên, Leicester City mới là đội bóng của Phật giáo, khi gia đình Srivaddhanaprabha liên tục thỉnh các cao tăng Thái Lan tới đội bóng này hành lễ, cúng bái, làm phép và được các cầu thủ đón nhận.
Đường Tăng và Tôn Ngộ Không… tái thế
Chúng ta có thể hình dung được tập đoàn King Power của gia đình Srivaddhanaprabha được quảng bá ra sao, thu về những mối lợi gì, bao nhiêu tiền trong trường hợp Leicester City đăng quang (khả năng rất lớn).
Nhưng kéo theo đó, sự kiện Leicester City đi vào lịch sử Premier League sẽ tác động rất lớn, rất tích cực đến hình ảnh của Phật giáo.
Vì sao Phật giáo phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Bhutan, Việt Nam, Campuchia… với hàng tỷ tín đồ quy y hoặc tâm nguyện bước theo Phật?
Bỏ qua những yếu tố mang tính triết học, xã hội, môi trường, sức khỏe hay lòng tư bi bác ái, Phật giáo phổ biến ở châu Á cũng nhờ những kênh tuyên truyền hết sức hiệu quả. Điển hình nhất là… Tây Du Ký.
Theo lịch sử ghi lại, khoảng đầu thế kỷ VII, thời đó Trung Quốc xuất hiện quá nhiều trường phái Phật giáo đối chọi, mâu thuẫn nhau.
Nhà sư Đường Huyền Trang (602-664), thường được gọi là Đường Tam Tạng hay Đường Tăng rời Trung Hoa tới Ấn Độ, quê hương của Phật giáo để học hỏi và tìm hiểu thêm về Phật học.
Hành trình rời phương Đông (Trung Hoa) tới Tây Thiên (Ấn Độ) của Đường Huyền Trang rất gian nan, cực khổ khi phải đối diện với đói khát, đường sá hiểm trở, cướp bóc…
Và hành trình đó của Đường Tăng được dân gian… huyền thoại hóa thành câu chuyện Đường Tăng trên đường thỉnh Kinh thu nạp các đồ đệ thần thánh như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng.
Rồi từ những chất liệu dân gian, tác giả Ngô Thừa Ân “dệt” thành tiểu thuyết kinh điển trong văn học Trung Hoa: Tây Du Ký.
Những câu chuyện về Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa, giết sạch yêu quái phò Đường Tăng đến Tây Thiên thỉnh kinh thành công và “thành chính quả” đã làm say mê người đọc, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Đừng nói gì đến những con nhang đệ tử, mà ngay cả những người vô thần vô thánh cũng biết Đường Tăng nhân từ tinh thông Phật Pháp, cũng mê Tôn Ngộ Không “thần thông quảng đại”.
Họ cũng khoái Bát Giới ham ăn ngốc nghếch, cũng nể Sa Ngộ Tĩnh “hành lý gật gù theo sau” - đó là những nhân vật huyền thoại của thế giới Phật giáo.
Vậy nên không quá lời khi cho rằng, Tây Du Ký có vai trò cực lớn trong việc quảng bá và phổ biến đạo Phật.
Trở lại với câu chuyện Leicester City. Như đã đề cập ở 2 bài viết trước, người hâm mộ bóng đá ở châu Âu đang choáng váng với kỳ tích của thầy trò Claudio Ranieri. Người ta cũng không xa lạ với hình ảnh các nhà sư Phật giáo ở King Power nữa.
Ngoài phân tích chiến thuật, người ta còn cho rằng, Leicester City tạo ra điều thần kỳ nhờ các nhà sư và… Phật Pháp vô biên.
Thế mới nói, nếu “Bầy cáo” tạo ra chấn động ở Premier League năm nay, Phật giáo sẽ càng được biết tới và phổ biến mạnh hơn nữa tại châu Âu.
Còn thầy trò Ranieri, vai trò của họ khi đó có kém gì thầy trò Đường Tăng huyền thoại trong việc quảng bá đạo Phật.
Lời kết
Đầu thế kỷ thứ VII, thầy trò Đường Tăng với truyền thuyết Tây Du Ký làm tăng lượng tín đồ Phật tử ở phương Đông. Đầu thế kỷ XXI, thầy trò Ranieri với kỳ tích Premier League cũng sẽ tạo ra điều tương tự ở phương Tây?
Các Phật tử tin rằng, Leicester City cần sức mạnh của Phật Pháp để “thành chính quả” ở Premier League.
Nhưng người viết lại cho rằng, Phật giáo - với tham vọng chuyển mình ở phương Tây, cần bóng đá, cụ thể là cú sốc Leicester City hơn bao giờ hết.