Lãnh đạo tỉnh nào có số ngày tiếp dân nhiều nhất cả nước?

PV |

Theo báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch một số tỉnh có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định.

Ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân suốt cả năm

Sáng 14/11, Quốc hội nghe báo cáo do Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày về Báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo quy định của Luật tiếp công dân thì chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần một lần, phải công khai lịch tiếp công dân.

Trình bày kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước.

Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã ở hầu hết địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân. 

Lãnh đạo tỉnh nào có số ngày tiếp dân nhiều nhất cả nước? - Ảnh 2.

Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quốc hội

Qua thống kê số liệu báo cáo cho thấy: Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định (39 tỉnh có số liệu, Chủ tịch đã tiếp định kỳ 226 ngày/468 ngày theo quy định).

Chủ tịch một số tỉnh có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như: Tiền Giang (27 ngày, hơn 225%), Tuyên Quang (24 ngày, hơn 200%); một số tỉnh có số ngày tiếp định kỳ của lãnh đạo cao (kể cả số ủy quyền) như: Khánh Hòa, Bình Phước...

Theo UB Thường vụ Quốc hội, việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh (một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam,...). 

Cá biệt có những tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân trong suốt 12 tháng.

Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh không có số liệu báo cáo về hoạt động này, tiêu biểu như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương...

Trong khi có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân lại vượt cao so với quy định, như Tiền Giang 225%, Tuyên Quang 200%, Bình Dương 250%... thì có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch tỉnh so với quy định là 0%, như Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, báo Dân trí đăng tải những thống kê trong báo cáo UB Thường vụ Quốc hội.

Các lãnh đạo tỉnh có tỷ lệ tiếp dân thấp nói gì?

Trao đổi với Người lao động, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết đã nghe và rất bất ngờ với ý kiến cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên không tiếp dân. 

Ông Phạm Đại Dương được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên từ ngày 8/8/2018. Trước đó là ông Hoàng Văn Trà (hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) làm Chủ tịch UBND tỉnh. 

"Qua kiểm tra bước đầu của anh em cho thấy tháng nào UBND tỉnh Phú Yên cũng tiếp công dân theo quy định. Riêng anh Trà cũng nhiều lần tiếp công dân chứ không phải là không có. 

Trong việc tiếp công dân và trả lời đơn thư, tỉnh Phú Yên được đánh giá là tốt. Chỉ sợ là chế độ báo cáo với Ủy ban Dân nguyện Quốc hội có chỗ nào đó không đầy đủ", ông Phạm Đại Dương trao đổi với báo trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết đang liên hệ với Ủy ban Dân nguyện Quốc hội để cho biết rõ việc tiếp công dân bắt buộc phải Chủ tịch UBND tỉnh hay được phép ủy quyền Phó chủ tịch UBND tỉnh để thực hiện được tốt.

Trao đổi về vấn đề tiếp dân, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết trên báo Trí thức trẻ, ở địa phương, lịch tiếp dân được sắp xếp vào ngày 15 hàng tháng tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh. Nếu ngày tiếp dân trùng vào thứ 7, Chủ nhật thì lịch tiếp dân sẽ được chuyển vào ngày thứ 2 tuần kế tiếp.

Nói về người phụ trách, ông Khánh cho biết tuỳ vào tính chất công việc của tỉnh để có thể sắp xếp cụ thể và phù hợp.

"Có tháng thì Bí thư Tỉnh ủy, có tháng thì lãnh đạo UBND tỉnh tiếp dân. Theo kế hoạch lịch tháng 12 này thì Chủ tịch tỉnh sẽ tiếp dân", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ. 

Tuy nhiên, ông Khánh từ chối trả lời  lý do Chủ tịch tỉnh không trực tiếp tiếp dân như báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (trong kỳ báo cáo từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018).

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại