Lãnh đạo 3 nước ĐNÁ gấp rút họp bàn đối phó âm mưu thành lập "siêu nhà nước Hồi giáo"

Thi Anh |

Âm mưu phóng tên lửa nhằm vào Singapore, thiết lập trại huấn luyện ở Indonesia, giao tranh không ngừng ở Philippines, phải chăng "bóng ma" IS đã âm thầm lan rộng ở Đông Nam Á?

Trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ IS, lãnh đạo các nước Philippines, Indonesia và Malaysia dự tính gặp gỡ trong tuần này để bàn về mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong bối cảnh hiện nay.

Thực ra, đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố của các nước Đông Nam Á. Natalia Rogozhina, tiến sỹ khoa học chính trị tại Học viện Khoa học Nga cho biết:

"Năm 2014 một tuyên bố chung đã được đưa ra để lên án IS. Các hoạt động chiến đấu cũng được khởi động. Năm ngoái, tại hội thảo ở Bali, các nước đã đồng ý trao đổi tin tình báo và dữ liệu vân tay của các đối tượng khủng bố, để theo dõi lộ trình của các phiến quân khi chúng đi qua biên giới, và cắt đứt các kênh chuyển tiền".

Nhà phân tích cũng cho biết thêm rằng năm ngooái, cơ quan tình báo Indonesia đã tìm cách ngăn chặn âm mưu phóng tên lửa nhằm vào Singapore mà IS định thực hiện từ lãnh thổ Indonesia.

"Chính phủ Thái Lan và Malaysia đã đồng ý cùng xây dựng một bức tường ở biên giới giữa hai nước, cơ bản để ngăn cản các đối tượng khủng bố ở Malaysia di chuyển tới Thái Lan", bà Rogozhina nói.

Tuy nhiên, những biện pháp này không đủ để loại trừ mối đe dọa đang "phủ bóng" trên các nước Đông Nam Á.

Số lượng người Hồi giáo cư trú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Indonesia, ở vào khoảng 62%, ước tính lên tới 1 tỷ người. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á là nơi cư trú của khoảng 300 triệu tín đồ Hồi giáo.

Cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới không phải ở Trung Đông, mà ở Indonesia. Thực tế này khiến Indonesia trở thành một mục tiêu nhiều khả năng bị IS nhòm ngó. Mục đích của chúng là biến đất nước đông dân thứ tư thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ) thành một vương quốc Hồi giáo.

Sự việc bùng phát hồi cuối tháng trước tại thành phố Marawi, Philippines đã cho thấy đây là một mối đe dọa xuyên quốc gia. Tại Marawi, trong hàng ngũ của những tên khủng bố địa phương có cả những phiến quân từ Malaysia, Indonesia và Singapore. Riêng Indonesia có tới hơn 40 tên khủng bố tham gia vào cuộc giao tranh ở miền Nam Philippines.

Theo bà Rogozhina, cuộc giao tranh ở Marawi cũng cho thấy số lượng phiến quân ở các nước Đông Nam Á đáp lại lời kêu gọi từ IS - hối thúc những kẻ không thể tới Trung Đông tham gia vào cuộc giao tranh nhằm thiết lập vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á.

Hàng chục tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á đã thề trung thành với IS. Tại thủ đô Indonesia, những phiến quân có liên hệ với IS đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công và có nguồn tin cho rằng chúng đang tổ chức một trại huấn luyện trên một hòn đảo của Indonesia.

Ở miền Nam Philippines, Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và Abu Sayyaf là những nhóm phiến quân hoạt động mạnh mẽ nhất hiện nay. Các thành viên của Abu Sayyaf không chỉ tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự mà còn tấn công cả những người dân thường đang sống ở các tỉnh miền Nam.

"Phương pháp gieo rắc khủng bố của chúng gồm bắt cóc, giết người, gây bạo loạn và tống tiền. Mục đích cuối cùng của chúng là thành lập một siêu nhà nước theo Hồi giáo chính thống", bà Rogozhina cho hay.

Tình huống tại Thái Lan thì có phần khác biệt. Theo thông cáo chính thức của chính quyền Thái Lan, hiện đang có một phong trào dân tộc chống chính phủ phát triển ở các tỉnh miền Nam Thái Lan.

Cho tới nay những kẻ ủng hộ ly khai vẫn chưa có mối quan hệ nào với phiến quân thân IS. Ở Trung Đông cũng không có tên khủng bố nào xuất thân từ Thái Lan. Tuy nhiên, việc các thành phần ủng hộ ly khai ở Thái Lan phối hợp với IS hoàn toàn có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại