Từ thời đại nhân tài đến thời đại quan tham
Những năm 80 của thế kỷ 20, nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bấy giờ đã phát động một cuộc cách mạng trẻ hóa, trí thức hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ.
Từ đó đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của hàng loạt những nhân tài mới trên chính trường Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều người trong số này bắt đầu biến chất và được gắn thêm một "nhãn mác" mới: tham quan.
Ví như, tháng 5 vừa qua, đội ngũ lãnh đạo tỉnh Giang Tô phát sinh hàng loạt những biến động như: Ngày 26/5, Trưởng ban thư ký tỉnh ủy Trương Kính Hoa bị bãi nhiễm chức vụ, Phó Chủ tịch tỉnh Hứa Tân Vinh từ chức. Bốn ngày sau đó, Phó Chủ tịch tỉnh thường trực Lý Vân Phong "ngã ngựa".
Loạt biến động trở thành đề tài thảo luận rầm rộ tại Trung Quốc một thời gian dài bởi từ trước tới nay, quan trường Giang Tô được mệnh danh là cái nôi sản sinh ra những cán bộ tài năng và trở thành tấm gương cho các địa phương khác noi theo.
Ngoài ra, trên chính trường Trung Quốc, trước khi bị "ngã ngựa", cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang cũng từng được đánh giá là cán bộ tài năng.
Theo Đa chiều (Mỹ), Chu đã nỗ lực không ngừng trong thời kỳ đầu bước vào chính trường và được đánh giá là "người xuất sắc về cả nghiệp vụ chuyên môn lẫn tố chất chính trị".
Một số ý kiến cho rằng, 30 năm trước, do yêu cầu của phát triển kinh tế, hàng loạt "nhân tài" được trọng dụng và hiệu suất làm việc được đánh giá chỉ dựa trên những bảng thành tích chính trị.
Do đó, những cán bộ này đã đạt được vô số thành tích chính trị, nhận được sự tán dương của lãnh đạo cấp cao và dư luận, trở thành những "ngôi sao nhân tài" với "tiền đồ rộng mở".
Tuy nhiên, những quan chức này cũng nhanh chóng thay đổi. Trong quá trình "tô màu" bảng thành tích, họ đã dần sa ngã, từ nhân tài trở thành quan tham.
Cựu trùm an ninh Trung Quốc Chu Vĩnh Khang từng được đánh giá là người có năng lực xuất sắc trước khi "ngã ngựa". Anhr: Internet
"Quy luật mới" về sử dụng cán bộ
Hiện nay, sự điều chuyển chức vụ đối với một số cán bộ đã thu hút sự chú ý đặc biệt với dư luận Trung Quốc.
Ví như, 7/12, Phó thị trưởng Thượng Hải Chu Ba - người từng bị khiển trách do vi phạm điều lệ trong Tám quy định của đảng cộng sản Trung Quốc về tác phong cán bộ - đã được bổ nhiệm trở thành Ủy viên Ban thường vụ thành ủy Thượng Hải.
Hay như việc Bí thư thành ủy Vũ Hán, Hồ Bắc Nguyễn Thành Phát đã được gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân và được đặt biệt danh là "người đi đào khắp thành phố".
Bởi quá trình đào lấp, xây dựng hệ thống giao thông công cộng do ông này khởi xướng đã khiến thành phố ngập lụt nặng nề sau mỗi trận mưa khiến người dân nghi ngờ hiệu quả của số vốn lớn được đầu tư.
Tuy nhiên, chính quyền Vũ Hán đã cố gắng xoa dịu phản ứng từ người dân, trong khi Nguyễn Thành Phát đã tự tin trả lời rằng, ông sẽ quyết tâm đi theo chiến lược của mình bởi trong tương lai, kết quả nó mang lại sẽ có ích cho cơ sở hạ tầng giao thông Vũ Hán.
Về chiến lược sử dụng cán bộ, lãnh đạo cấp cao Bộ Tổ chức trung ương Trung Quốc từng nhấn mạnh, ĐCSTQ chú trọng sử dụng những quan chức dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
"Trên một ý nghĩa nào đó, Chu Ba, Nguyễn Thành Phát" phù hợp với cách sử dụng cán bộ của ĐCSTQ hiện nay", Đa chiều nhận định.
Cũng theo tờ này, những động thái trên cho thấy việc chỉ dựa vào thành tích chính trị để thăng tiến đã không còn tồn tại.
Đồng thời, quy tắc sử dụng cán bộ mới cũng được lộ diện: Phạm pháp thì bị sa thải, phạm lỗi nhỏ thì bị phê bình.
Các cán bộ này vẫn sẽ được đề bạt thăng tiến nếu không phạm "lằn ranh đỏ" của ĐCSTQ tức "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - một cụm từ thường dùng để chỉ hành vi tham nhũng của các quan chức Trung Quốc.