Lần đầu tiên ghi được hình ảnh hình thành bão khổng lồ trên sao Hải vương

Thanh Hương |

Kính thiên văn Hubble đã lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh hình thành cơn bão khổng lồ trên sao Hải vương (Neptune), qua đó giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các hoạt động bên trong hành tinh băng khổng lồ này.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, công bố ngày 25/3 trên tạp chí Geophysical Research Letters, cho thấy một trong số những cơn bão khổng lồ trên sao Hải vương (còn được giới chuyên gia gọi là Great Dark Spot) bắt nguồn sâu hơn nhiều trong bầu khí quyển của hành tinh này so với chúng ta thường nghĩ.

Trong quá trình phân tích các hình ảnh từ Hubble về một cơn bão nhỏ hơn - xuất hiện năm 2015, các nhà khoa học Mỹ đã tình cờ phát hiện những đám mây nhỏ, trắng sáng ở khu vực này - nơi cơn bão khổng lồ Great Dark Spot xuất hiện sau đó (vào năm 2018).

Những đám mây trên được hình thành từ các tinh thể băng methan, có màu trắng sáng. Các nhà khoa học cho rằng những đám mây methan này sẽ đi kèm những cơn bão bằng cách lơ lửng phía trên chúng, giống như những đám mây hình lăng trụ mà chúng ta thường thấy trên đỉnh những ngọn núi cao ở Trái Đất.

Lần đầu tiên ghi được hình ảnh hình thành bão khổng lồ trên sao Hải vương - Ảnh 1.

Kính thiên văn Hubble đã lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh hình thành cơn bão khổng lồ trên sao Hải vương (Neptune). Ảnh: NASA

Những hình ảnh thiết lập trên máy tính về bầu khí quyển ở sao Hải vương cho thấy cơn bão khởi nguồn càng sâu, những đám mây đồng hành với nó càng sáng hơn.

Trong một nghiên cứu tương tự đăng trên Tạp chí Thiên văn (Astronomical Journal) ngày 25/3, các nhà khoa học cho biết những cơn bão trên sao Hải vương hình thành theo chu kỳ 4-6 năm/lần. Mỗi cơn bão thường kéo dài 2 năm và tối đa là 6 năm.

Nhà khoa học Michael Wong thuộc trường Đại học California cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ trực tiếp đo sức gió trong các cơn bão của sao Hải vương, tuy nhiên chúng tôi ước tính vận tốc gió khoảng 100 mét/giây, khá tương đồng với sức gió trong các cơn bão trên sao Mộc (Jupiter) - còn được gọi là Great Red Spot".

Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng gió trong các cơn bão ở sao Hải vương từ từ thổi qua các vĩ độ, chứ không giống như gió bão trên sao Mộc - nơi gần như giữ nguyên vĩ độ trong ít nhất 350 năm.

Theo các nhà khoa học, những phát hiện mới nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các ngoại hành tinh có kích thước tương đương và kết cấu tương tự. Hiện đã có tổng cộng 6 hệ thống bão được phát hiện kể từ khi các chuyên gia đặt mục tiêu nghiên cứu sao Hải vương.

Tàu vũ trụ Voyager 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác định 2 cơn bão trong năm 1989, trong khi đó kính thiên văn Hubble cũng đã quan sát 4 cơn bão kể từ khi được triển khai từ năm 1990.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại