Tạp chí Nature vừa công bố thông tin, các nhà khoa học quốc tế vừa đo được điện thế của một cơn giông có sức mạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử. Cơn giông tại Ấn Độ này phóng ra điện thế mạnh 1,3 tỷ volt - gấp 10 lần cơn giông mạnh nhất từng được đo trước đó trên Trái Đất.
Sức mạnh khủng khiếp của cơn giông mạnh nhất lịch sử
Để tiến hành nghiên cứu sức mạnh chết người của cơn giông này, chuyên gia Sunil Gupta tại Viện nghiên cứu cơ bản Tata ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) cùng các đồng nghiệp quốc tế đã sử dụng một thiết bị gọi là Kính viễn vọng hạt muon (G3MT) để đo điện thế tiềm năng của một cơn giông.
Tạp chí Nature thông tin, muon là một hạt hạ nguyên tử siêu nhỏ, chúng được tạo ra khi các tia vũ trụ va đập vào bầu khí quyển Trái Đất. Khi hạt muon đi qua một đám mây giông, chúng sẽ mất đi năng lượng (nghĩa là luồng điện trong đám mây giông khổng lồ làm giảm điện tích của hạt muon).
Để đo chính xác tác động của một cơn giông tới hạt muon, các nhà khoa học quốc tế sử dụng phương pháp định lượng để suy ra điện thế tiềm năng của một cơn giông dựa trên điện tích bị suy giảm của hạt muon.
Việc sử dụng kính G3MT đặt tại miền Nam Ấn Độ đã giúp các nhà khoa học đo được 184 cơn giông hình thành trên Trái Đất từ năm 2011 đến năm 2014. Và vào cuối năm 2014, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được một cơn giông khổng lồ, sau thời gian nghiên cứu, họ phát hiện nó có sức mạnh khủng khiếp nhất từ trước tới nay, với điện thế sinh ra lên đến 1,3 tỷ volt.
Các tia sét đơn có điện thế là 100 triệu volt. Ảnh: Enrique Díaz/7cero/Getty
Để dễ hình dung sức mạnh của cơn giông này, nhà khoa học cho biết: Hầu hết các tia sét đơn có điện thế là 100 triệu volt. Đường ray tàu điện tạo điện thế dưới 1.000 volt.
Newscientist cho biết, trong những cơn giông dày vài km, tiềm năng điện thế có thể đạt tới hàng tỷ volt hoặc hơn thế nữa.
Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học giải thích các tia gamma năng lượng cao được tạo ra như thế nào trong các cơn bão.
Michael Cherry, giáo sư vật lý tại Đại học bang Louisiana (Mỹ) nói với ấn phẩm khoa học Physics rằng phương pháp định lượng hạt muon là một cách độc đáo để đo điện trường trong một cơn giông bão. Ông cho rằng bóng thám không hoặc máy bay không người lái có thể được sử dụng để thực hiện các phép đo ở mô hình tinh chỉnh.
Một cơn giông có thể trải rộng từ vài chục đến hàng trăm km. Ảnh: NASA/ISS 16
Theo các nhà khí tượng, một cơn giông được hình thành khi có khối không khí nóng ẩm chuyển động. Một cơn giông có thể kéo dài từ 30 phút đến 12 tiếng và có thể trải rộng từ vài chục đến hàng trăm km.
Trong quá trình hình thành, cơn giông có thể kèm theo sấm sét, vòi rồng, gió cực mạnh. Do đó, chúng được xếp vào dạng thời tiết nguy hiểm (thời tiết cực đoan).
Trên thế giới, sấm sét, vòi rồng và gió mạnh từ giông đã giết chết hàng nghìn người, gây ra các vụ cháy rừng, cháy nhà, làm hư hại các thiết bị điện tử...
Bài viết sử dụng nguồn: Tạp chí Nature, Newscientist, Gizmodo