Làm việc suốt ngày đêm để giải cứu hơn 700 người Việt từ vùng chiến sự Myanmar về nước

Bình Giang |

Tình hình tại các bang miền bắc Myanmar tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Cho đến nay, khoảng 700 công dân Việt Nam đang ở khu vực tạm thời an toàn, nhiều trường hợp khác đang chờ được xác minh thông tin. Bộ Ngoại giao cho biết nhóm làm việc đang hoạt động 24/24 giờ để tìm cách đưa công dân về nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (23/11), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật tình hình bảo hộ các công dân Việt Nam ở Myanmar tại các vùng xung đột, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam ở Myanmar, tình hình tại các bang miền bắc Myanmar tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Cho đến nay, khoảng 700 công dân Việt Nam đang ở khu vực tạm thời an toàn, nhiều trường hợp khác đang chờ được xác minh thông tin.

“Như chúng tôi liên tục cập nhật, ngay từ khi nhận được thông tin về tình hình Myanmar và tình hình công dân Việt Nam từ cuối tháng 10, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị phía Myanmar bảo đảm an toàn và điều kiện sinh hoạt cơ bản cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của công dân Việt Nam ra khỏi khu vực giao tranh”, bà Hằng cho biết.

Bộ Ngoại giao cùng cơ quan đại diện tại Myanmar và Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin với các cơ quan đại diện nước ngoài có công dân ở khu vực này, làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân. Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước để triển khai những biện pháp bảo đảm an toàn và sơ tán công dân trong thời gian sớm nhất có thể.

“Nhóm làm việc đang hoạt động 24/24h. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc với các đầu mối công dân tại khu vực lánh nạn, chuẩn bị sẵn sàng triển khai những biện pháp để đưa công dân về nước sau khi thống nhất được phương án di chuyển”, bà Hằng cho biết.

Xung đột nổ ra ở miền bắc Myanmar từ ngày 27/10, khi liên minh quân nổi dậy dân tộc thiểu số hùng mạnh ở Myanmar, được gọi là Liên minh Huynh đệ, phát động một loạt cuộc tấn công vào lực lượng của chính quyền ở bang Shan thuộc miền bắc.

Trong những ngày sau đó, xung đột lan ra các bang khác như Rakhine, Sagaing, Chin, Mon, Kachin và Kayin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại