Tạp chí Newsweek cho biết, Liên minh châu Âu (EU) được cho rằng đang xem xét một động thái gây sức ép mới đối với ngành xuất khẩu dầu của Nga - ngành sinh lợi chủ yếu cho Moscow. Khối EU nhắm tới các tuyến đường thủy hẹp ở Bắc Âu - nơi 1/3 dầu thô của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu.
Đan Mạch sẽ chặn tàu chở dầu Nga trên biển?
Tờ Financial Times (FT) đưa tin hôm 15/11, trích dẫn thông tin từ các quan chức châu Âu cho hay, Đan Mạch đã được dùng là nơi kiểm tra và có thể sẽ chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của mình mà không có bảo hiểm của phương Tây với lo ngại các tàu này sẽ gây ra những mối đe dọa đối với môi trường.
EU lo ngại các chính sách bảo hiểm không của phương Tây có thể sẽ không hiệu quả nếu xảy ra sự cố tràn dầu. Đề xuất này được đưa ra khi các quan chức phương Tây thừa nhận rằng "hầu như không có" lô dầu thô nào của Nga được bán dưới mức trần 60 USD/thùng.
Các nước EU đã cố gắng thắt chặt nền kinh tế của Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine vào hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, Moscow vẫn cố gắng duy trì được nguồn thu nhập khổng lồ thông qua nhiều biện pháp để lách được các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Ảnh minh họa: CNN
Các biện pháp này bao gồm sử dụng một đội tàu gọi là "đội tàu ma" hay "hạm đội bóng đêm". Các tàu trong hạm đội này không sử dụng bảo hiểm của các quốc gia phương Tây, đồng thời có thể tắt hệ thống nhận dạng tự động để tránh bị theo dõi.
FT cho hay, các cuộc thảo luận của EU đang được tiến hành để Đan Mạch kiểm tra hoạt động vận chuyển của Nga ở eo biển Đan Mạch, bao gồm 5 tuyến đường thuỷ hẹp chạy giữa Đan Mạch và Thụy Điển nối Biển Baltic với Biển Bắc.
Khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga - chiếm khoảng 1,5% nguồn cung toàn cầu - đi qua tuyến đường này.
Dầu Urals hàng đầu của Moscow được vận chuyển từ các cảng Primorsk và Ust-Luga ở phía đông Biển Baltic, gần thành phố St. Petersburg và căn cứ hải quân của Hạm đội Baltic ở Kronstadt.
Điểm tắc nghẽn lý tưởng được nhìn thấy ngay trên bản đồ
Newsweek đánh giá, xét về mặt địa lý, eo biển Đan Mạch là một điểm "tắc nghẽn tiềm năng" đối với xuất khẩu dầu thô của Nga nếu như kế hoạch mà FT báo cáo trở thành hiện thực.
Một phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quốc phòng Đan Mạch nói với FT: "Đan Mạch không kiểm tra hành chính hoặc kiểm tra tàu thuyền đi qua eo biển, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến an ninh hàng hải."
Tạp chí Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói với tạp chí Newsweek trong một tuyên bố rằng họ sẽ không bình luận về những suy đoán trên truyền thông.
Bộ này cho biết: "Nhìn chung, Đan Mạch luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất được thỏa thuận trong EU. Đan Mạch luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả của các lệnh trừng phạt thông qua việc cải thiện quá trình thực thi và chống lại việc tránh né các lệnh này. Do đó đối với các yếu tố liên quan đến vị trí địa lý của Đan Mạch, thì việc chính quyền Đan Mạch giám sát chặt chẽ các hoạt động hàng hải là điều đương nhiên."
Đan Mạch lần đầu hành động?
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác bỏ các câu hỏi về các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề. Ông Peskov nói với các phóng viên: "Việc tuân thủ tất cả các quy tắc vận chuyển thương mại quốc tế nên được chú trọng. Hãy đợi các thông tin xác thực, sau đó chúng ta sẽ bàn luận về những việc cần làm."
Bất kỳ hạn chế mới nào ở Biển Baltic sau khi Phần Lan gia nhập NATO (và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập khối) có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Moscow và các nước phương Tây.
Hans Peter Michaelsen, một nhà phân tích quốc phòng độc lập, nói với hãng tin Reuters: “Đan Mạch chưa bao giờ làm bất cứ điều gì như vậy trước đây. Việc chặn giao thông thương mại ở eo biển Đan Mạch sẽ gần giống như một lời tuyên chiến."
Hôm 15/11, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên: "Tôi nhắc lại rằng tất cả các tàu, kể cả tàu của Nga, đều có quyền tự do đi qua eo biển Baltic. Bất kỳ hành động nào đi ngược lại điều này đều vi phạm luật pháp quốc tế và hậu quả sẽ rất nguy hiểm".