Michael Lin là kỹ sư phần mềm làm việc cho Netflix. Mặc dù nhận được mức đãi ngộ tốt ở công ty công nghệ hàng đầu thế giới, anh vẫn quyết định bỏ việc sau nhiều năm gắn bó.
Câu chuyện không liên quan đến môi trường làm việc của Netflix mà chỉ là quan điểm cá nhân của Lin đối với mục tiêu nghề nghiệp. Anh không muốn chỉ mãi làm một công việc lặp đi lặp lại hàng ngày mà muốn phát triển bản thân hơn nữa. Dưới đây là câu chuyện của anh.
Giấc mơ Big Tech
Tôi bắt đầu làm việc tại Netflix trong vai trò kỹ sư phần mềm cấp cao vào năm 2017 sau khi rời bỏ công việc tại Amazon. Tôi rất vui khi được thăng chức và trở về nhà ở Bay Area.
Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với Netflix mãi mãi. Tôi kiếm được 450.000 USD/năm (11 tỷ đồng), được nhận đồ ăn miễn phí hàng ngày và nghỉ phép không giới hạn. Được làm việc ở Big Tech như một giấc mơ.
Nhưng khi tôi rời đi gần 4 năm sau, vào thời điểm tháng 5/2021, mọi người đều nghĩ tôi bị điên.
Bố mẹ là người đầu tiên phản đối tôi. Nghỉ việc chẳng khác gì đổ xuống sông xuống biển nỗ lực nhập cư vào Mỹ đầy vất vả của họ.
Người hướng dẫn là người thứ hai phản đối. Anh ấy nói tôi không nên nghỉ việc khi chưa có chỗ mới vì sẽ bỏ lỡ cơ hội tận dụng mức lương cao để thương lượng ở công việc tiếp theo. Lời khuyên khiến tôi phải đắn đo suốt ba ngày trước khi nói chuyện với người quản lý về việc rời đi.
Tám tháng sau, tôi tin rằng đó là quyết định đúng đắn.
Tôi đã từng rất hứng thú khi bắt đầu làm việc tại Netflix
Làm việc tại Netflix giống như được trả tiền cho những thứ mà bạn học được trong các chương trình MBA. Họ cung cấp các bản ghi nhớ cho mọi quyết định về sản phẩm để tất cả nhân viên đọc và tôi đã học được rất nhiều điều mỗi ngày.
Trong hai năm tiếp theo, ánh sáng bắt đầu mờ dần. Các dự án và cuộc họp hòa quyện với nhau, và sau một thời gian, chúng giống như những biến thể nhỏ. Công việc kỹ thuật bắt đầu giống như việc "copy" và "paste".
Sau đó, COVID-19 xảy ra. Văn phòng đóng cửa và tất cả những phần công việc yêu thích của tôi - giao tiếp xã hội, đồng nghiệp, đặc quyền - đều biến mất.
Điều duy nhất còn lại chỉ là công việc và tôi không còn hứng thú với điều đó nữa.
Tôi muốn có một hiệu ứng lớn hơn. Đối với tôi, việc quyết định cách phân bổ nguồn lực kỹ thuật phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình hơn là công việc kỹ thuật đơn thuần và tôi muốn chuyển sang quản lý sản phẩm để dẫn dắt những nỗ lực này.
Kết quả là tôi đã dành hai năm kết nối với Netflix và ứng tuyển vào mọi vai trò quản lý sản phẩm mà bản thân có thể tìm được.
Không có nỗ lực nào thành công và tôi vẫn làm công việc tương tự.
Vấn đề là Netflix không có sẵn bất kỳ quy trình nào để hỗ trợ những thay đổi vai trò theo chiều ngang như vậy. Tôi chưa bao giờ thấy một kỹ sư nào chuyển đổi thành công sang quản lý sản phẩm tại công ty.
Khi kết thúc quá trình tìm kiếm vai trò giám đốc sản phẩm, tôi đã mất động lực và sự tập trung
Giờ đây, việc chuyển sang vai trò khác đã không còn khả thi nữa, mức lương cao mà tôi đang nhận giống như một thỏa thuận ngày càng tồi tệ. Khi bắt đầu làm việc tại Netflix, tôi kiếm tiền và không ngừng học hỏi những điều mới. Bây giờ, tôi chỉ đang kiếm tiền, không có sự phát triển nghề nghiệp.
Mục tiêu của nhóm cũng bắt đầu khác với mục tiêu nghề nghiệp của tôi.
Nhóm tập trung vào việc dịch chuyển kỹ thuật, nơi chúng tôi phải chuyển từ hệ thống trực tuyến này sang hệ thống trực tuyến khác, trong khi sở thích của tôi hướng tới tinh thần kinh doanh. Công việc tôi đang làm không giúp tôi học được những kỹ năng kinh doanh mà tôi cần.
Tôi bắt đầu có cảm giác như mình đang lặp lại sai lầm nghề nghiệp tương tự đã mắc phải ở Amazon - làm một công việc không phù hợp lâu hơn mức bản thân nên làm.
Động lực của tôi suy giảm và hiệu suất làm việc cũng giảm theo.
Tôi ít tham gia vào các cuộc họp, giảm thiểu làm những công việc không liên quan đến quản lý sản phẩm và trì hoãn giao tiếp. Động lực duy nhất của tôi chỉ là cố gắng không bị sa thải.
Thật không may, người quản lý bắt đầu chú ý. Trong cuộc đánh giá hiệu suất vào tháng 4/2021, anh ấy nói tôi cần tham gia nhiều hơn vào quá trình dịch chuyển kỹ thuật của nhóm và giao tiếp nhiều hơn. Ngoài ra, tôi phải cải thiện những lĩnh vực này "nếu muốn ở lại nhóm".
COVID-19 thay đổi quan điểm về công việc
Tôi đang làm việc tại một công ty danh tiếng và kiếm tiền khá ổn cho bản thân. Thật khó để từ bỏ một mức lương - thứ hữu hình - cho những thứ vô hình như tuổi trẻ và thời gian. Nhưng tôi không thể lay chuyển được sự thật rằng nhiều người đã thiệt mạng trong dịch bệnh.
Tôi đang gác lại ước mơ trở thành doanh nhân và COVID-19 là lời nhắc nhở liên tục rằng ngày mai tôi có thể không còn ở đây để theo đuổi điều đó.
Tôi sợ bia mộ của mình sẽ ghi: "Nơi an nghỉ của Michael. Anh ấy đã dành cả cuộc đời để làm công việc mà bản thân không hề muốn làm. Hãy yên nghỉ nhé".
Tôi ở Netflix càng lâu thì khả năng bia mộ đó trở thành hiện thực càng lớn.
Tôi đã dành hai tuần sau buổi đánh giá hiệu suất để suy nghĩ về các bước tiếp theo và quyết định nói chuyện thẳng thắn với người quản lý. Trong cuộc gặp riêng với anh ấy, tôi đề xuất rằng chúng ta nên thảo luận về "gói trợ cấp thôi việc trước".
Tôi nói: "Hiệu suất của tôi đang giảm sút vì động lực đã cạn dần. Động lực của tôi không được cải thiện vì mục tiêu của nhóm ngày càng khác xa với mục tiêu nghề nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thảo luận về gói trợ cấp thôi việc khi rời khỏi Netflix thay vì kéo dài điều này? Bằng cách đó, Netflix tiết kiệm tiền, nhóm tìm được người phù hợp sớm hơn và tôi có thể làm những gì mình muốn. Đôi bên cùng có lợi."
Sau khi anh ấy thảo luận vấn đề với bộ phận nhân sự, tôi đã có cuộc họp cuối cùng trong đó Netflix đồng ý sa thải tôi trước và tôi nhận được gói trợ cấp thôi việc.
Cuộc sống hậu Netflix
Tôi tưởng cuộc đời mình sẽ kết thúc sau khi rời Netflix. Tôi lo lắng mình sẽ không có cuộc sống xã hội vì trước đây mọi thứ chỉ xoay quanh công việc.
Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Tôi gặp nhiều người hơn thông qua việc bắt đầu công việc kinh doanh cá nhân - những doanh nhân, cây viết và nhà sáng tạo khác.
Bây giờ tôi cảm thấy một sự bình ổn sâu sắc bên trong mình, một niềm tin không thể lay chuyển rằng mọi thứ sẽ tốt thôi, ngay cả khi hiện tại không đảm bảo được thành công nào trong tương lai.
Đã tám tháng kể từ khi tôi nghỉ việc tại Netflix và tôi quyết định sẽ tập trung hoàn toàn cho chính mình. Mặc dù chỉ mới bắt đầu và chưa có bất kỳ nguồn thu nhập đáng tin cậy nào, nhưng tôi tin tưởng rằng nếu làm công việc mang lại năng lượng cho bản thân thì những điều tốt đẹp sẽ xảy ra.