Sử dụng tài sản của các cổ đông lớn nhất công ty làm tài sản thế chấp cho các món vay ngân hàng không phải là chuyện hiếm tại Việt Nam và thế giới. Với Hoàng Anh Gia Lai, quá trình tái cơ cấu các khoản nợ khủng cùng vốn tài trợ cho các dự án dở dang của tập đoàn này trong năm 2016 cũng yêu cầu bầu Đức làm điều tương tự.
Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán vừa được công bố của Hoàng Anh Gia Lai, phần lớn số cổ phiếu có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ đồng của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đang nằm tại các ngân hàng, trở thành tài sản thế chấp cho hàng loạt món vay từ dài hạn tới trái phiếu thông thường của HAG.
Cụ thể, 12,96 triệu cổ phiếu của ông Đức là tài sản thế chấp cho trái phiếu thông thường phát hành cho trái chủ là ngân hàng Bản Việt, 76,52 triệu cổ phiếu thế chấp cho trái chủ là ngân hàng Bắc Á. Với các khoản vay bằng phát hành trái phiếu khác cho BIDV, HDbank hay VPBank, bầu Đức thế chấp 69,83 làm một phần tài sản bảo đảm cho tổng món vay hơn 9.000 tỷ đồng.
Với các khoản vay dài hạn nhằm bổ sung vốn tài trợ cho các dự án xây dựng và phát triển thủy điện, trồng cây cao su và mía, phát triển dự án bò thịt, mua sắm thiết bị, bầu Đức thế chấp khoảng 66 triệu cổ phiếu cho hai ngân hàng là Sacombank và HDBank.
Trong số này, khoản vay ở HD Bank được bầu Đức thế chấp bằng cổ phiếu của chính cá nhân và của cả vợ mình. Đây cũng là thông tin gián tiếp khẳng định vợ bầu Đức là một cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai, dù trong nhiều báo cáo quản trị, người phụ nữ này không hề được nhắc tên.
Như vậy, dù nắm trong tay hơn 347,7 triệu cổ phiếu HAG, nhưng bầu Đức không còn quyền quyết định với 225 triệu cổ phiếu nằm trong ngân hàng. Toàn bộ số tài sản trên sàn này chỉ có thể trở về tay ông chủ Hoàng Anh Gia Lai muộn nhất là vào tháng 12/2026 khi trái phiếu của tập đoàn này đáo hạn.