Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân hôm nay (12/12) bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc 2022
Diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới; thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả và thực chất hơn.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022).
Nhìn lại lịch sử, trong suốt 73 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dù quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng là hai nước láng giềng, nguyện vọng của nhân dân hai nước là chung sống hòa bình, ổn định lâu dài, cùng nhau phát triển. Nguyện vọng này đã được thể hiện trong nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao.
Đáng chú ý, 15 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu.
Về chính trị, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc mật thiết. Trong đó, phải kể đến chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được các nhà lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội.
Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (17-20/10/2023) và trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (25-28/6/2023); dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây (16-19/9/2023)… tiếp tục tạo sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Quan hệ hợp tác chính trị được coi trọng cao độ cùng với lĩnh vực kinh tế-thương mại cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay.
Điểm sáng nữa trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc. Sự phối hợp trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong các công việc chung của khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường.
Việt Nam - Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới hai bên.
Việt Nam - Trung Quốc cũng đã nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Có thể khẳng định, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam hết sức coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; coi đây là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Chính vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã và đang đặt ra nhiều kỳ vọng mới trong quan hệ hai nước. Đó là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đang ngày càng phát triển tích cực và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.