Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga

Thu Hà - Đặng Cường/VOV-Moscow |

“Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Liên bang Nga” là chủ đề cuộc hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp tổ chức ngày 15/11, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Với 80 điểm cầu ở 3 nước, cuộc hội thảo có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường sắt, Bộ Công thương Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường sắt của cả 3 nước.

Gần 20 ý kiến tham luận tại Hội thảo đã thực sự đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam, Nga, Trung Quốc trong việc tăng cường vận tải đường sắt kết nối 3 nước. Các ý kiến tập trung thảo luận về hiện trạng, chỉ ra những tiềm năng, cơ hội và những khó khăn, trở ngại; trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga.

Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga - Ảnh 1.

Gần 20 ý kiến tham luận tại Hội thảo.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 174 tỷ USD năm 2022, trong khi đó Liên bang Nga là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Á - Âu với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 7,2 tỷ USD (năm 2022 có sụt giảm do tình hình thế giới diễn biễn phức tạp). Đạt được kết quả này, có đóng góp của lĩnh vực vận tải - logistics.

Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc phát biểu nêu rõ, quan hệ giữa 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Nga đang rất tốt đẹp. 3 nước đang có điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường sắt. Mặc dù hiện nay, việc vận chuyển bằng đường sắt đang có những thách thức, nhưng trong thách thức có cơ hội và quan trọng là ý thức hợp tác.

Nhiều đại biểu phân tích những thách thức trong lĩnh vực vận tải đường sắt, trong đó có sự cạnh tranh với vận tải đường biển do chi phí vận tải đường biển thấp hơn, nên công suất vận tải bằng đường sắt chưa đạt như mong muốn.

Ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam chỉ ra những hạn chế về cơ sở hạ tầng khiến việc vận tải liên vận gặp khó khăn.

“Việc thiếu thông tin về nhau là một trong những trở ngại trong triển khai các dự án hợp tác. Doanh nghiệp vận tải chưa có lượng hàng hóa đủ lớn để tổ chức những chuyến tàu conteiner chạy suốt; chưa đủ luồng hàng để tận dụng đường 2 chiều. Vấn đề thanh toán giữa Nga và Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay có những khó khăn nhất định do tình hình thế giới có nhiều biến động”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, việc đa dạng hóa các phương thức vận tải logistics là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam và LB Nga vượt qua khó khăn, tăng xuất khẩu sang thị trường của nhau. Một trong các giải pháp là sử dụng hiệu quả hơn tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc - Nga trong vận tải hàng hóa, nhằm mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp 3 nước.

Ông Andropov, Cố vấn Tổng Giám đốc Tập đoàn Logistic Đường sắt Nga nêu ý kiến: “Đề tài cuộc Hội thảo hôm nay rất thiết thực với chúng tôi vì công ty chúng tôi chuyên thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Hiện nay, vấn đề nóng nhất là cạnh tranh giữa vận tải đường sắt và vận tải đường biển. Các đối tác Trung Quốc rất coi trọng vấn đề ổn định hàng hóa nên tôi muốn nêu đề xuất phía Nga và Việt Nam tìm ra giải pháp đưa ra những ưu đãi để các nhà xuất khẩu tập trung hàng hóa vận tải bằng đường sắt”.

Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga - Ảnh 2.

Những dữ liệu được đưa ra phân tích tại Hội thảo.

Tham luận về hợp tác giữa Đường sắt Trung Quốc với các đối tác Việt Nam và LB Nga trong vận tải hàng hóa quá cảnh, ông Trần Hồng Minh, Tổng Giám đốc phụ trách nghiệp vụ hải ngoại của Cục 16, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc cho rằng, đường sắt vận chuyển hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu thông qua cửa khẩu Đồng Đăng, qua thành phố Bằng Tường và các trạm trung chuyển của Trung Quốc để đến châu Âu:

“Năm 2022, lượng vận tải đường sắt Trung - Việt đạt 1,33 triệu tấn. Tuyến vận tải đường sắt Việt Nam - Trung Quốc cần thông qua 2 cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Tuy nhiên, 2 cửa khẩu này hiện vẫn đang áp dụng hình thức nhập dữ liệu thủ công truyền thống. Vì vậy cần nâng cấp, cải tạo hiện đại hóa cách thức không thông quan, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa và hiệu quả thông quan. Năm 2022 tuy kim ngạch thương mại Trung- Việt đạt 234,92 tỉ USD nhưng năng lực vận tải đường sắt giữa 2 bên vẫn cần được nâng cao”.

Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga - Ảnh 4.

Hội thảo đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp 3 nước.

Kết luận Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đưa ra thông tin vui: “Tháng 10 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động, thực hiện việc tăng cường kết nối đường sắt Việt Nam Trung Quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là định hướng rất quan trọng, trong đó có việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Việt Nam - Trung Quốc. Với Liên bang Nga là chính sách hướng Đông, đẩy mạnh hợp tác với các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Phía Trung Quốc có sáng kiến Vành đai - Con đường, trong đó có kết nối Trung Quốc với các nước châu Á và châu Âu, trọng điểm là Liên bang Nga”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại