Kỳ thi THPT sẽ thay đổi từ năm 2021

Hồng Nhì |

Đó là nội dung mà Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo tại hội nghị giao ban công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 18/7.

Theo Bộ trưởng Nhạ, đến nay, kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã đạt được mục tiêu đề ra. Ông cho hay, trước đó một ngày, Bộ tổ chức hội nghị trực tuyến 273 trường đại học trong cả nước, các trường đều bày tỏ tin cậy kết quả thi để sử dụng cho xét tuyển.

Các địa phương cũng có trách nhiệm trong quá trình tham gia tổ chức kỳ thi.

Bộ trưởng GD-ĐT thông tin, 18/7 là ngày cuối cùng các tỉnh xét tốt nghiệp phổ thông và các trường đang triển khai xét tuyển đại học. “Đến thời điểm này mọi công việc đều diễn ra theo đúng kế hoạch”, ông Nhạ nói.

Nói về tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Nhạ cho biết đã được bàn kỹ. Đến nay, những trường hợp tiêu cực này đã được các cơ quan chức năng xử lý, đợi kết quả điều tra sẽ làm theo đúng pháp luật.

Kỳ thi THPT sẽ thay đổi từ năm 2021 - Ảnh 1.

Phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia nam 2019. Nguồn: Bộ GD-ĐT

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, kỳ thi THPT sẽ ổn định tới năm 2020 theo đúng lộ trình đã công bố. Sau đó, Bộ sẽ có lộ trình để đảm bảo sự ổn định và cải tiến kỳ thi tốt hơn, nhẹ nhàng hơn.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ công bố lộ trình thi 2021-2024 trước khi thực hiện xong lộ trình đổi mới sách giáo khoa để từng bước thực hiện tốt theo kế hoạch.

Liên quan vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Bộ trưởng GD-ĐT cho hay, hiện tại, Chính phủ và Bộ đang thực hiện theo các bước mà Nghị quyết 88 được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, Bộ đang tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng việc đổi mới theo lộ trình cuốn chiếu, trong đó ưu tiên cho lớp 1.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 29 của TƯ, Nghị quyết 88 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn, thẩm định để chọn bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đến nay, Bộ đã nhận được 5 bộ sách do các nhà xuất bản gửi đến để thẩm định.

“Bộ cũng tổ chức tập huấn để những người tham gia thẩm định sách giáo khoa am hiểu chuyên môn và thống nhất trong thẩm định, công bằng, khách quan để có sách giáo khoa tốt nhất”, ông Nhạ nói.

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, mọi việc đến nay đang được thực hiện một cách bài bản và sau bộ sách lớp 1, Bộ sẽ tổ chức thẩm định dần các bộ sách khác theo lộ trình đổi mới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại